Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa tìm ra được "tiếng nói chung" trong vấn đề tranh chấp biên giới Trung - Ấn. Ảnh: PTI
Dưới đây là toàn bộ nhận định của cây viết Omkar Goswami trên Economic Times.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Trung Quốc có quan điểm rõ ràng về một trật tự thế giới mới với 2 siêu cường là Trung Quốc và Mỹ. Trong 3 thập kỷ qua, Bắc Kinh đã nỗ lực để biến điều này thành hiện thực. Chúng ta hãy xem xét ở 2 chi tiết.
Thứ nhất là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo sức mua tương đương (PPP), được tính theo chi phí hiện tại. Năm 1980, GDP theo PPP của Trung Quốc là 304 tỷ USD, trong khi Ấn Độ là 383 tỷ USD (tăng 26% so với TQ)
Nhưng tới năm 2019, mọi chuyện thay đổi. GDP theo PPP của Trung Quốc tính theo mức giá hiện tại là 27 nghìn tỷ USD, gấp gần 2,5 lần so với Ấn Độ (11 nghìn tỷ USD).
Thứ hai là chi tiêu hải quân của 2 bên tính theo mức giá hiện tại. Theo dữ liệu của Ngân hàng thế giới (WB), năm 1990, Trung Quốc chi 10,1 tỷ USD, trong khi Ấn Độ bỏ ra 10,5 tỷ USD.
Nhưng tới năm 2018, chi tiêu hải quân hàng năm của Trung Quốc tăng lên 250 tỷ USD, gấp 3,75 lần con số 66,5 tỷ USD của Ấn Độ. Nói đơn giản, Bắc Kinh đã tận dụng lợi thế to lớn về tài chính trong 3 năm qua để xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh có thể coi là mạnh nhất châu Á và đứng thứ 2 thế giới, sau Mỹ.
Ngoài 2 chi tiết trên, Trung Quốc còn đang "bao vây" chiến lược Ấn Độ bằng cách chi phối các nước láng giềng của New Delhi. Bắc Kinh đã đầu tư vào Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan, bao gồm các đường cao tốc từ biên giới 2 nước tới cảng nước sâu Gwadar ở tỉnh Balochistan, Pakistan.
Trung Quốc cũng có được thỏa thuận thuê cảng Hambantota tại Srilanka và khu vực hơn 6.000 hecta xung quanh cảng này để đổi lại khoản vay lớn cho chính phủ Sri Lanka. Mục đích cho thuê là sử dụng dân sự nhưng Trung Quốc được cho là sẽ gây sức ép với Sri Lanka để thiết lập lực lượng hải quân tại cảng biển có vị trí chiến lược tại Ấn Độ Dương.
Tại Myanmar, Trung Quốc đã xây dựng 2 đường ống dẫn dầu thô và nhiên liệu tinh khiết, hoạt động dọc theo 771 km sông Irrawaddy tới gần biên giới. Các đường ống đặt tại Myanmar không chỉ đơn thuần giúp Trung Quốc tránh rủi ro tiềm tàng dọc eo biển Malacca mà còn giúp Bắc Kinh có "vệ tinh" tại quốc gia láng giềng với Ấn Độ.
Trên cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc cũng có sự can thiệp. Với việc xây dựng đập Tạng Mộc trên sông Yarlung Tsangpo, Bắc Kinh đã cản trở dòng chảy của con sông vào Ấn Độ. Trung Quốc còn xây dựng thêm nhiều con đập khác trong khu vực.
Ngoài ra, Trung Quốc còn mở rộng các con đường gần Đường kiểm soát thực tế (LAC), xây dựng đường băng và mở rộng hiện diện của hải quân, đặc biệt là sau vụ đụng độ Doklam năm 2017.
Cuộc đụng độ mới nhất giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc diễn ra đêm 15/6 tại thung lũng Galwan khiến 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng không phải là lần đầu tiên trong năm nay. Theo thống kê, có ít nhất 6 vụ xung đột nhỏ xảy ra giữa binh sĩ 2 nước tại các khu vực ở Ladakh: 1 vụ ở Chushul, 1 vụ ở hồ Pangong Tso, 3 vụ ở thung lũng Galwan và 1 ở đồng bằng Depsang.
Không dễ dàng để đoán trước liệu Trung Quốc có rút toàn bộ binh lính khỏi các vùng lãnh thổ họ vừa xâm nhập và chiếm đóng hay không. Nhưng tôi nghĩ là không, nhất là khi các khu vực đó ở độ cao chiến lược.
Đây không phải là một cuộc diễn tập "thăm dò người Ấn rồi sau đó rút lui" mà dường như nó là một cuộc "chiếm lĩnh các vị trí quan trọng và bám trụ". Tại sao? Vì Trung Quốc muốn cho Ấn Độ "một bài học".
Ấn Độ không tham gia vào sáng kiến "Vành đai Con đường" của Trung Quốc. Ngoài ra, New Delhi còn là một phần của Quad - một tổ chức thảo luận hợp tác hải quân và dữ liệu chiến lược có sự tham gia của Mỹ, Úc, Nhật và Ấn Độ, nhằm chống lại Trung Quốc. Nói ngắn gọn, Ấn Độ là một người hàng xóm lớn thay vì "con rối" của Trung Quốc.
Trung Quốc không phải và không thể là một người bạn, thay vào đó là một đối thủ tiềm ẩn nguy hiểm. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ nên phản ứng ra sao? Chúng ta không thể tẩy chay hoàn toàn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng chúng ta có thể hủy bỏ các sáng kiến cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở Ấn Độ.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng cần cảnh giác cao về viễn thông Trung Quốc (phần cứng) và các tin tặc. Quan trọng nhất, trong quá trình đàm phán ngoại giao diễn ra, Ấn Độ nên khẩn trương cải thiện các tài sản, vũ khí hải quân ở biên giới: cung cấp khả năng hỗ trợ trên không nhanh chóng, súng cối, pháo phản lực, pháo tầm cao, kỹ thuật phòng thủ tên lửa...