Dân Việt

Trung Quốc thực sự giàu hay nghèo?

Vương Nam – SCMP 30/05/2020 14:55 GMT+7
Cuộc tranh cãi về việc Trung Quốc thực sự là quốc gia giàu hay nghèo đã bùng lên trong những tuần gần đây khi chính phủ nước này công bố hàng loạt số liệu mâu thuẫn.

img

Một đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số trong phiên họp tại Bắc Kinh (ảnh: SCMP)

Hôm 28.5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố 600 triệu người dân nước này đang phải sống với mức thu nhập hàng tháng dưới 1.000 nhân dân tệ (khoảng 140 USD – 3.200.000 VNĐ).

“Số tiền này chỉ đủ để trả tiền thuê nhà mỗi tháng ở một thành phố tầm trung của Trung Quốc”, ông Lý phát biểu.

Phát ngôn của ông Lý Khắc Cường củng cố cho lập luận rằng, Trung Quốc thực tế là một quốc gia tương đối nghèo. Hơn 40% tổng dân số 1,4 tỷ người Trung Quốc vẫn đang sống với mức thu nhập hàng ngày chưa tới 5 USD (khoảng 116.000 VNĐ).

Phát biểu của Thủ tướng Lý trái ngược hoàn toàn với tuyên bố của ông Ning Jizhe – người đứng đầu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc – về sự giàu mạnh của quốc gia tỷ dân.

img

Một hộ gia đình nghèo ở vùng nông thôn Trung Quốc (ảnh: Chinadaily)

Theo ông Ning Jizhe, đến cuối năm 2019, Trung Quốc đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ trị giá 1.300 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 182 nghìn tỷ USD) dưới dạng cơ sở hạ tầng.

Tuyên bố của ông Ning Jizhe cho thấy, bình quân mỗi người dân Trung Quốc sở hữu khối tài sản cơ sở hạ tầng gần 1 triệu nhân dân tệ, trong bối cảnh nhiều người sống ở các vùng nông thôn nước này vẫn đang trong tình trạng đói nghèo.

Hồi tháng 4, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng gây tranh cãi khi công bố kết quả khảo sát cho thấy, đến cuối năm 2019, các hộ gia đình sống ở thành thị đang sở hữu tài sản bình quân 3,2 triệu nhân dân tệ/hộ (tương đương 450.000 USD).

Kết quả nêu trên dựa theo khảo sát đối với hơn 30.000 hộ gia đình Trung Quốc nhưng bị dư luận trong nước phản ứng dữ dội vì “phi thực tế”. Tranh cãi lớn đến mức China Finance - tạp chí của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc - sau đó đã phải gỡ bài viết công bố kết quả.

Theo các chuyên gia, tất cả những tranh cãi này đều xuất phát từ thực trạng phân phối thu nhập không đều tại Trung Quốc.

Số liệu chính thức cho thấy, Trung Quốc là quốc gia có thu nhập chỉ ở mức trung bình với tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người khoảng 10.000 USD/năm.

Phân phối thu nhập của Trung Quốc nghiêng mạnh về phía nhà nước. Trung Quốc cũng là một trong những nước có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất thế giới.

Hệ số Gini – thước đo bất bình đẳng giàu nghèo – của Trung Quốc đã tăng mạnh vào năm 2017. Điều này phản ảnh sự bất bình đẳng về thu nhập nghiêm trọng. Trong 2 năm gần đây, Trung Quốc đã ngừng công bố hệ số này. Tình trạng kinh tế của Trung Quốc có thể gọi là nghịch lý nước giàu mà dân nghèo, theo SCMP.

Chênh lệch về mức sống giữa người dân nông thôn và thành thị càng khiến cho bức tranh kinh tế Trung Quốc trở nên phức tạp. Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng được đánh giá là tập trung quá nhiều vào các mục tiêu lớn mà chưa chú trọng chăm lo cho đời sống người dân.

“Nếu bạn là người từ nước ngoài đến thăm các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu, có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng, Trung Quốc dường như giàu hơn cả Mỹ hoặc châu Âu. Tuy nhiên, Bắc Kinh hay Thượng Hải chỉ thể hiện cho một phần của Trung Quốc. Có một góc tối Trung Quốc khác ở phía sau sự phồn hoa đó”, một tài khoản truyền thông xã hội liên kết với hãng thông tấn Tân Hoa Xã nhận xét.

img

Sự sầm uất của các thành phố lớn tại Trung Quốc tương phản với đời sống khó khăn của người dân ở vùng nông thôn (ảnh: Chinadaily)

Theo cơ quan thống kê Trung Quốc, năm 2019, thu nhập bình quân đầu người nước này đạt 30.733 nhân dân tệ (khoảng 4.300 USD), tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn Trung Quốc chỉ đạt 16.021 nhân dân tệ vào năm 2019. Mức thu nhập thấp ở vùng nông thôn (khu vực chiếm tới 40% dân số Trung Quốc) đang cản trở những nỗ lực của Bắc Kinh trong chiến lược phát triển kinh tế nội bộ, giảm phụ thuộc vào nước ngoài, đặc biệt là phương Tây.

Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng “xã hội khá giả toàn diện” vào năm 2020. Khi đó, đất nước gần 1,4 tỷ dân sẽ không còn người nghèo. Xóa đói giảm nghèo cũng là một trong những vấn đề mà Chủ tịch Trung Quốc – ông Tập Cận Bình – quan tâm nhất vào thời gian tới.

Thị trường 1,4 tỷ dân của Trung Quốc có tiềm năng rất lớn trong việc tạo động lực phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sức mua và khả năng tiêu thụ sản phẩm của thị trường nội địa Trung Quốc so với các nước phương Tây vẫn là một điều mà Bắc Kinh cần cân nhắc.