Dân Việt

Vì sao Trung Quốc cần Hồng Kông đến vậy?

Vương Nam – Reuters, SCMP 30/05/2020 20:40 GMT+7
Nhiều chủ ngân hàng và nhà đầu tư đang lo ngại việc Bắc Kinh quyết tâm thông qua luật an ninh mới cho Hồng Kông sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới vị thế trung tâm tài chính của đặc khu. Nếu kinh tế Hồng Kông đi xuống, kinh tế Trung Quốc đại lục có nguy cơ trả giá đắt, theo Reuters.

img

Hồng Kông có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tham vọng phát triển kinh tế của Trung Quốc (ảnh: Reuters)

Tại sao Trung Quốc rất cần Hồng Kông?

Hồng Kông – một trong những trung tâm tài chính năng động nhất thế giới – là nhân tố quan trọng giúp Trung Quốc thu hút vốn đầu tư nhằm thực hiện tham vọng đưa nền kinh tế sánh ngang, thậm chí vượt qua Mỹ.

Kinh tế Hồng Kông tương đương 2,7% tổng quy mô kinh tế của Trung Quốc đại lục. Là cửa ngõ nối Trung Quốc với phương Tây, Hồng Kông thu hút vốn đầu tư quốc tế về cho đại lục nhiều hơn bất kỳ thành phố nào khác.

Ngoài vị trí chiến lược, Hồng Kông – thuộc địa cũ của Anh – còn được phương Tây, đặc biệt là Mỹ “ưu ái”, cho áp dụng quy chế đặc biệt. Điều này khiến hàng hóa từ Hồng Kông xuất khẩu sang Mỹ được giảm thuế so với từ Trung Quốc đại lục. Không giống như đại lục, kinh tế Hồng Kông ít chịu ảnh hưởng bởi thương chiến Mỹ - Trung và những căng thẳng chính trị.

Tận dụng đặc điểm này, Trung Quốc đại lục sử dụng thị trường Hồng Kông để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Ngược lại, các công ty quốc tế cũng sử dụng Hồng Kông như “bước đệm” để xâm nhập đại lục.

img

Cảnh sát chống bạo động ở Hồng Kông (ảnh: SCMP)

Năm 2018, 60% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được chuyển vào đại lục qua Hồng Kông.

Năm 2019, các công ty đại lục kiếm được 73,8 tỷ USD từ hoạt động chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra thị trường (IPO), 35 tỷ USD trong số này đến từ Hồng Kông.

Ngoài vai trò “máy hút vốn”, cảng Hồng Kông cũng là nơi trung chuyển nhiều hàng hóa từ đại lục ra nước ngoài.

Hồng Kông cũng là yếu tố mấu chốt trong tham vọng của Bắc Kinh nhằm biến đồng nhân dân tệ trở thành tiền quốc tế, được lưu hành rộng rãi và cạnh tranh ngang ngửa với đồng USD.

Với những thế mạnh về tài chính vượt trội, Hồng Kông được đánh giá là bước đệm quan trọng giúp Trung Quốc phát triển kinh tế và vươn tầm ảnh hưởng quốc tế. Đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang rất cần nguồn vốn giúp khôi phục sản xuất và thực hiện chiến lược hướng nội mà ông Tập Cận Bình đề ra.

Năm 2019, những cuộc biểu tình kéo dài trong nhiều tháng đã làm “rung chuyển” Hồng Kông, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế của thành phố. Vì vậy, việc giữ trật tự xã hội của đặc khu “đi vào quy củ” là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với Bắc Kinh trong năm nay.

img

Biểu tình ở Hồng Kông năm 2019 (ảnh: Reuters)

Tương lai của Hồng Kông sẽ đi về đâu sau quyết định của ông Trump?

Ngày 29.5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, ông đã ra lệnh cho các quan chức thực hiện quá trình tước quy chế đặc biệt đối với Hồng Kông.

Giới chức Hồng Kông đã cố gắng trấn an và cho rằng, nếu Mỹ tước quy chế đặc biệt của thành phố, chính kinh tế xứ cờ hoa cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thương mại trực tiếp đến từ Hồng Kông chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong nền kinh tế Mỹ.

Việc ông Trump không công bố chính thức những ưu đãi nào cho Hồng Kông sẽ bị tước bỏ cũng như thời gian áp đặt biện pháp nói trên đang khiến nhiều nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp nước ngoài trong đặc khu “đứng ngồi không yên”.

“Việc chấm dứt ưu đãi chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đối với Hồng Kông, nhưng hiện tại chúng ta vẫn chưa có thông tin đầy đủ để đánh giá mức độ. Ngoài kinh tế, thương mại, có nhiều ưu đãi khác cho Hồng Kông mà Mỹ có thể tước bỏ, ví dụ như thị thực hay nhập cư.

Chúng ta vẫn phải chờ đợi xem liệu các biện pháp thực tế có nghiêm trọng như lời ông Trump tuyên bố hay không”, John Marrett – chuyên gia phân tích kinh tế ở Hồng Kông – nhận định.

“Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả kịch bản sau khi bị Mỹ tước bỏ quy chế đặc biệt. Kinh tế Hồng Kông sẽ ít chịu ảnh hưởng bởi động thái nói trên. Chúng tôi kiếm tiền từ ngành dịch vụ chứ không phải sản xuất hàng hóa. Thuế quan bị tăng sẽ chỉ ảnh hưởng đến các sản phẩm sản xuất nội địa, chiếm chưa tới 2% tổng GDP Hồng Kông”, lãnh đạo cơ quan tài chính Hồng Kông – ông Trận Mậu Ba – phát biểu.

img

Cảnh sát đụng độ một người biểu tình phản đối dự luật an ninh mới cho Hồng Kông (ảnh: Reuters)

Chen Ziwu, Giám đốc Viện Châu Á Toàn cầu tại Đại học Hồng Kông, cho rằng, hậu quả lớn nhất đối với Hồng Kông khi bị Mỹ tước quy chế đặc biệt đó là vị thế, tầm quan trọng của thành phố đối với kinh tế quốc tế và kinh tế Trung Quốc sẽ bị sụt giảm.

“Hồng Kông như một vùng đệm giữa Trung Quốc và phương Tây. Việc tước bỏ quy chế đặc biệt sẽ ‘đánh đồng’ Hồng Kông với những thành phố khác ở đại lục và đẩy kinh tế giữa Trung Quốc – phương Tây vào cuộc đối đầu trực tiếp mới. Điều này sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc, làm suy yếu tốc độ tăng trưởng kinh tế và ổn định”, ông Chen Ziwu nhận xét.

“Mất quy chế đặc biệt, Hồng Kông có thể phải chịu thêm các biện pháp kiểm soát nhập khẩu như Mỹ đang áp dụng với các thành phố khác ở đại lục. Điều này chắc chắn có tác động tiêu cực đến vị thế của Hồng Kông với vai trò là trung tâm của kế hoạch phát triển kinh tế Khu vực Vịnh lớn (Greater Bay Area) do Bắc Kinh đề ra”, William Marshall, luật sư làm việc cho Công ty Tiang & Partners, nhận định.