Dân Việt

Ba kịch bản xấu nhất khi vùng áp thấp trên Biển Đông mạnh lên thành bão

Triệu Quang 30/07/2020 18:55 GMT+7
Cơ quan khí tượng đã đề ra 3 kịch bản cho vùng áp thấp đang hoạt động trên Biển Đông, tất cả đều dẫn đến kết quả mưa to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

img

Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của vùng áp thấp trên Biển Đông. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVQG.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ chiều nay (30/7), vùng áp thấp đang cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 530km về phía Đông.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 13 giờ ngày 1/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300km về phía Tây Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới nên ở Biển Đông có mưa dông mạnh, ở khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao 2,0-3,5m; biển động. Ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh; sóng biển cao 2-4 mét.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có nguy cơ chịu tác động cao của gió giật và lốc xoáy.

Đánh giá về khả năng mạnh thành bão của vùng áp thấp hiện tại, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho rằng, hiện tại, cơ quan khí tượng mới nhận định vùng áp thấp sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, còn quá sớm để nhận định nó có tiếp tục mạnh lên thành bão hay không.

Theo ông Lâm, cơ quan khí tượng đã đề ra 3 kịch bản cho diễn biến tiếp theo của vùng áp thấp đang hoạt động trên Biển Đông. Kịch bản cao là vùng áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục mạnh lên thành bão.

“Nếu mạnh lên thành bão, hình thái này có thể đổ bộ vào Vịnh Bắc Bộ, sau đó di chuyển chậm. Đó là kịch bản khả dĩ nhất mà chúng tôi dự báo hiện nay”, ông Lâm nhận định.

Kịch bản 2, trường hợp bão đổi hướng lên Trung Quốc. Nếu theo kịch bản này, rãnh áp thấp của dải hội tụ nhiệt đới sẽ gây mưa cho toàn Bắc Bộ.

Kịch bản thứ 3 là vùng áp thấp chỉ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, tạo ra dải hội tụ nhiệt đới gây mưa lớn cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó suy yếu chứ không mạnh lên thành bão.

Ông Lâm cho hay, dù vùng áp thấp mạnh lên và di chuyển theo kịch bản nào, thì đều dẫn đến một kết quả chung là gây mưa rất lớn cho miền Bắc và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế.

Cao điểm của đợt mưa này sẽ bắt đầu từ đêm 31/7 tại đồng bằng Bắc Bộ và mở rộng ra khu vực Tây Bắc, Việt Bắc. Toàn Bắc Bộ được dự báo mưa liên tiếp trong 10 ngày với cường độ giảm dần qua từng ngày. Những ngày cao điểm, lượng mưa có thể đạt 100-150 mm/ngày.

“Chúng tôi nhận định đây có thể là đợt mưa lớn và dài ngày nhất tại Bắc Bộ kể từ đầu năm nay. Miền núi nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất”, ông Lâm cho biết.

Ở Bắc Trung Bộ, mưa cũng xuất hiện với cường độ cao nhưng chỉ duy trì đến hết ngày 3/8. Lượng mưa tối đa ghi nhận được có thể lên đến 200-400 mm/đợt. Do mưa lớn xuất hiện sau nhiều ngày nắng nóng kéo dài, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế đề phòng hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, sét, gió giật mạnh.