Dân Việt

Nền văn minh nhân loại đứng trước bờ vực sụp đổ không thể đảo ngược?

Đăng Nguyễn - Daily Mail 03/08/2020 05:55 GMT+7
Nhân loại chỉ có khoảng 10% cơ hội tránh được thảm họa tồi tệ trong vài thập kỷ tới do nạn phá rừng, tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên tràn lan, một nghiên cứu mới cho biết.

img

Nạn phá rừng là vấn đề gây nhức nhối trên toàn cầu.

Theo Daily Mail, nghiên cứu do giáo sư Mauro Bologna thuộc Khoa Kỹ thuật Điện tử tại Đại học Tarapacá ở Chile và Tiến sĩ Gerardo Aquino, nhà nghiên cứu tại Viện Alan Turing ở London, thực hiện, đánh giá tỷ lệ phá rừng và mức độ gia tăng dân số hiện nay.

Kết quả nghiên cứu cho biết, trong vòng 2-4 thập kỷ tới, Trái đất sẽ bước vào giai đoạn tồi tệ không thể đảo ngược, không còn đáp ứng được số dân đông đảo trên Trái đất do nạn phá rừng.

Theo hai nhà nghiên cứu, với tốc độ phá rừng như hiện nay, “toàn bộ rừng trên Trái đất sẽ biến mất trong 100-200 năm tới”.

“Thật không thể tưởng tượng nổi nhân loại sẽ cảm thấy như thế nào khi cây xanh cuối cùng bị đốn hạ”, các nhà nghiên cứu viết.

Hệ quả của nạn phá rừng là mất đi những yếu tố hỗ trợ sự sống cho Trái đất, bao gồm lưu giữ carbon, sản xuất oxy, bảo tồn đất và điều tiết nước.

Đỉnh điểm sẽ là sự sụp đổ của nền văn minh nhân loại. "Rất khó có thể tưởng tượng sự sống sót của nhiều loài, bao gồm cả chúng ta, trên Trái đất không có rừng. Sự suy thoái môi trường do nạn phá rừng sẽ ảnh hưởng lớn đến xã hội loài người và do đó, sự sụp đổ của con người sẽ bắt đầu sớm hơn nhiều", các nhà nghiên cứu cho biết.

Ước tính có khoảng 60 triệu km2 rừng trên trái đất trước sự phát triển của nền văn minh nhân loại. Hiện nay chỉ còn khoảng 40 triệu km2 rừng. Các nhà nghiên cứu đánh giá sự gia tăng dân số và mức độ tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là rừng sẽ khiến con người chỉ còn vài chục năm trước khi bước vào giai đoạn không thể đảo ngược.

Trong kịch bản khả dĩ nhất, chỉ có 10% khả năng nền văn minh nhân loại có thể tránh khỏi sự sụp đổ.

“Nếu tốc độ phá rừng không thay đổi trước thời hạn chót, dân số Trái đất sẽ đối mặt thảm họa diệt vong”, nghiên cứu kết luận.

Theo các nhà nghiên cứu, mức độ tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên của con người có tỉ lệ với mức độ phát triển khoa học – công nghệ. “Trình độ công nghệ cao hơn dẫn đến dân số ngày càng tăng và mức độ phá rừng cao hơn… nhưng cũng giúp sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn”, nghiên cứu viết.

“Với trình độ công nghệ cao hơn trong tương lai, con người có thể tìm ra cách tránh khỏi thảm họa, hoặc lựa chọn cách cuối cùng là xây dựng nền văn minh ngoài vũ trụ”, nghiên cứu kết luận.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature.