Dân Việt

Nổ như bom nguyên tử ở Liban: "Cơn khát" lương thực bắt đầu

Vương Nam – Reuters, SCMP 06/08/2020 17:55 GMT+7
Hàng loạt kho dự trữ ngũ cốc và lúa mì quốc gia của Liban tại cảng Beirut đã bị phá hủy sau vụ nổ kinh hoàng với sức công phá được ví như bom bom nguyên tử hôm 4.8. Bộ trưởng Kinh tế Liban cho biết, lượng ngũ cốc còn lại của nước này không đủ cấp cho dân ăn trong vòng 1 tháng.

img

Người dân tại Beirut đi nhận thực phẩm và nước uống sau vụ nổ kinh hoàng (ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Kinh tế Liban Raoul Nehme cho biết, Liban cần dự trữ lương thực ít nhất đủ ăn trong 3 tháng mới đủ đảm bảo an ninh lương thực.

“Số ngũ cốc còn trong kho trữ quốc gia của Liban chỉ đủ dùng trong chưa đầy một tháng”, ông Raoul Nehme thông báo.

Nền kinh tế Liban vốn đã rơi vào suy thoái nghiêm trọng trước vụ nổ. Quốc gia gặp khó khăn trong việc tìm kiếm ngoại tệ để có thể mua thêm thực phẩm cho người dân.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Liban cho rằng, nước này sẽ tìm cách để không rơi vào khủng hoảng bột mì. Cảng Tripoli sẽ là điểm đến thay thế cho các lô hàng lương thực vào Liban.

“Bây giờ chưa thể nói chúng tôi rơi vào khủng hoảng bánh mì hay bột mì. Chúng tôi đang chờ đợi các thuyền lớn chở lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu của Liban”, ông Raoul Nehme trấn an.

Việc nhập thêm lương thực vào Liban hiện tại cũng trở nên khó khăn vì Beirut là cảng chính để vận chuyển, lưu trữ lương thực cho quốc gia hơn 6 triệu dân. Hơn 1,5 triệu người tị nạn từ Syria cũng khiến Liban thêm áp lực miệng ăn.

Ahmed Tamer, Giám đốc cảng Tripoli – cảng lớn thứ 2 ở Liban – cho biết, cảng của ông không còn kho chứa ngũ cốc. Lương thực chuyển tới có thể phải đưa tới điểm khác cách cảng này 2 km.

“Ngoài Tripoli, các cảng Saida, Selaata và Jiyeh cũng sẽ góp phần trữ lương thực nhập về”, Bộ trưởng Kinh tế Liban nói.

Hani Bohsali – Chủ tịch Hiệp hội nhập khẩu Liban – cho rằng, nước này có thể rơi vào khủng hoảng lương thực, “trừ khi có sự đồng thuận trợ giúp của quốc tế để cứu nguy”.

Các cơ quan của Liên Hợp Quốc đã nhóm họp để hỗ trợ cho Liban. Nhiều quốc gia ở châu Âu, Trung Đông cũng cử các đội ngũ y tế mang theo hàng viện trợ tới Liban.

“Người dân Liban rất nghèo. Họ ngày càng gặp khó khăn trong việc tìm mua lương thực. Giờ đây tình hình lại càng tồi tệ hơn”, bà Tamara al-Rifai, phát ngôn viên Cơ quan tị nạn Palestine UNRWA, nhận xét.

“Lượng bột mì còn lại trong các kho đủ cấp cho Liban trong khoảng 1 tháng rưỡi nữa”, Ahmed Hattit – Chủ tịch Hiệp hội nhập khẩu múa mì Liban – cho biết.

img

Hình ảnh hiện trường cho thấy một dãy kho chứa lương thực ở cảng Beirut bị sang phẳng (ảnh: SCMP)

Trong khi Liban còn đang “đau đầu” giải quyết vấn đề lương thực cho người dân, cuộc điều tra về nguyên nhân gây ra vụ nổ ở Beirut vẫn được tiến hành.

Các điều tra viên Liban dường như tập trung tìm hiểu về sự bất cẩn có thể xảy ra trong quá trình lưu trữ hơn 2.700 tấn ammonium nitrate trong cảng. Một số quan chức có liên quan đến vụ việc đã bị chính phủ Liban quản thúc tại nhà riêng, dưới sự giám sát của quân đội.

Bộ Y tế Liban cho biết, vụ nổ đã khiến 135 người thiệt mạng và hơn 5.000 người bị thương. Con số thương vong có thể tiếp tục tăng thêm. Thiệt hại do vụ nổ gây ra ước tính khoảng 10 – 15 tỷ USD.

Theo Reuters, các quan chức tại cảng Beirut và hải quan Liban nổi tiếng là tham nhũng và giỏi “làm tiền”.

“Đây là địa ngục. Làm thế nào chúng tôi sống nổi khi không có nhà và đồ ăn”, Amy Beirut – một người dân ở Beirut bật khóc.

Ước tính khoảng 85% lượng ngũ cốc của Liban đã bị “thổi bay” do vụ nổ. Một số đoạn video hiện trường cho thấy hàng loạt kho chứa lương thực tại cảng Beirut bị san phẳng hoặc cháy rụi.

Bộ trưởng Kinh tế Liban cho biết, toàn bộ số lúa mì, ngũ cốc dù chưa bị cháy ở cảng Beirut cũng không thể sử dụng do ô nhiễm khói độc.