Sau khi biết lương của tôi gấp 3 lần chồng, gia đình chồng liền thay đổi thái độ. (Ảnh minh họa)
Trước khi kết hôn, chồng tôi là một người cực kỳ chu đáo. Đối với tôi, anh ấy là một người đàn ông ấm áp, có thể xuất hiện bất cứ khi nào tôi cần. Anh nấu ăn rất ngon, biết tôi hay đau dạ dày nên thường nấu nhiều món cháo rất bổ dưỡng. Mặc dù điều kiện gia đình của anh không tốt, nhưng bù lại tính cách của anh khiến tôi rất ưng bụng nên đã cưới mà không do dự.
Những tháng đầu sau cưới là cuộc sống đầy màu hồng, sau khi tan làm, tôi thường ghé vào siêu thị mua thức ăn sau đó về nhà nấu nướng, còn chồng thì dọn dẹp nhà cửa.
Thời gian trôi qua, tôi cảm thấy chồng mình ngày càng lười biếng hơn. Mỗi khi nhắc nhở anh làm việc nhà, anh đều nhăn nhó miễn cưỡng làm. Sau bữa tối, anh thường nằm dài trên ghế sofa bấm điện thoại, mặc kệ tôi với vô số những việc không tên. Dần dần tôi nhận ra, anh có lẽ bị ảnh hưởng từ quan điểm sống của gia đình mình, đó là đàn ông ra ngoài kiếm tiền và việc nhà là của phụ nữ.
Vào một ngày, tôi phải tăng ca nên về nhà cũng đã 9 giờ tối. Lúc đó, tôi thấy chồng đang nằm trên ghế sofa chơi game và nói: “Anh đói bụng, em nhanh nhanh nấu món gì đó cho anh ăn đi”. Tôi đã mệt mỏi với một ngày dài làm việc, vừa về đến nhà tôi như biến thành một osin với đủ thứ việc đang chờ sẵn, thậm chí anh ta về sớm mà chẳng thèm nấu một bữa thay cho vợ. Quá bức xúc, tôi đã lớn tiếng cãi nhau.
Nói về công việc, chồng tôi làm công chức nhà nước nên rất nhàn. Anh ấy hài lòng với mức lương đủ sống qua ngày. Dù có nói thế nào thì anh ấy vẫn không sẵn sàng kiếm thêm việc gì đó làm. Không còn cách nào khác, để cải thiện thu nhập cho gia đình, tôi phải bán thêm hàng online nên lúc nào cũng đầu tắt mặt tối.
Tháng trước, bố chồng tôi bị đau thắt lưng nên đến bệnh viện thành phố kiểm tra và ở lại nhà chúng tôi 2 ngày. Trong 2 ngày đó công việc của tôi khá bận nên đã gọi điện cho chồng, nhờ anh ấy đi siêu thị mua hộ thức ăn sau khi tan làm.
Nghĩ chồng đã mua sẵn thức ăn nên sau khi xong việc tôi vội vã về nhà. Thế nhưng, mẹ chồng thấy tôi về nhà tay không thì hỏi: “Con không mua thức ăn thì cả nhà ăn gì vào buổi tối?”.
Tôi quay lại nhìn chồng và hỏi anh ấy: “Em đã gọi điện nhờ anh mua thức ăn sau khi tan làm đúng không?”. Anh ta nhìn vào điện thoại rồi thốt ra vài từ: “Ừ, anh quên mất”.
Mẹ chồng không vui và gắt gỏng: “Con là vợ thì phải làm tất cả công việc nhà chứ, chuyện mua đồ ăn, nấu ăn sao con có thể sai chồng mình được. Con trai mẹ là thạc sĩ đấy, sao có thể để nó làm việc nhà được”.
Nghe thấy những điều này, tôi sững sờ thốt không nên lời. Chồng tôi là thạc sĩ cơ đấy, tôi cứ ngỡ những người có trình độ học vấn cao sẽ không có suy nghĩ cổ hủ này. Đây là thời đại nào rồi cơ chứ.
Không muốn chịu sỉ nhục vì thua kém chồng, tôi tức giận nói lại với mẹ chồng: “Chồng con là thạc sĩ nhưng lương của con gấp 3 lần anh ấy đó mẹ à”. Ngay khi nói xong, bố mẹ chồng và cả chồng tôi đều choáng váng. Họ không tin nên tôi nói tiếp: “Hiện tại mức lương của chồng con là 9 triệu, nhưng con thường đi công tác và làm thêm giờ, cộng với việc bán hàng online khá thuận lợi, 6 tháng qua mùa cao điểm con kiếm được 40 triệu mỗi tháng”.
Nghe tôi nói xong, mọi người đều im lặng. Mặc dù chồng tôi là người có trình độ văn hóa cao, nhưng lương của anh ta chỉ đủ trả sinh hoạt phí ăn uống ở thành phố thôi. Tiện thể tôi cũng nói luôn là căn nhà cả 2 đang ở là phần lớn tiền do tôi đóng vào. Nói xong, tôi không còn thiết tha ăn uống và vội vàng trở vào phòng ngủ.
Sáng sớm hôm sau, chồng tôi đã chủ động dậy sớm làm bữa sáng, sau đó còn chia sẻ công việc nhà. Bố mẹ chồng nhìn cảnh đó cũng không còn nói gì nữa. Điều tôi muốn nói ở đây là một phụ nữ muốn có tiếng nói trong nhà và vị trí quan trọng trong mắt mẹ chồng, cách tốt nhất là phải kiếm thật nhiều tiền, nhiều hơn cả chồng thì càng tốt. Nếu không làm được điều đó, phụ nữ mãi mãi sẽ không có bất kỳ tiếng nói nào có giá trị trong nhà.