Đốt pháo là hoạt động bị cấm ở nhiều thành phố lớn của Trung Quốc.
Ngoài ngày Tết, người Trung Quốc cũng đốt pháo trong các dịp kỷ niệm quan trọng. Nhiều người Trung Quốc quan niệm đốt pháo nhằm xua đuổi quỷ dữ và bảo đảm họ sẽ có một năm hạnh phúc và khỏe mạnh.
Ở giai đoạn đầu, hoạt động sản xuất pháo diễn ra một cách tự phạt. Nhiều chủ doanh nghiệp vì chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua nguyên tắc an toàn, dẫn đến việc xảy ra các sự cố chết người. Vấn đề kiểm soát an toàn khi sản xuất và sử dụng pháo nổ là một trong những nguyên nhân nhà chức trách Trung Quốc ban hành lệnh cấm đốt pháo.
Thành phố đầu tiên cấm pháo là Thiên Tân và bắt đầu cấm từ ngày 3.2.1970. Lệnh cấm pháo quy mô lớn đợt 2 là vào năm 1993, áp dụng ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và hơn 280 thành phố lớn khác.
Nhiều học giả Trung Quốc cho rằng thiếu tiếng pháo sẽ không còn ra được "hương vị" của mùa xuân vì đó là một phần di sản văn hóa và phong tục truyền thống.
Năm 2003, thành phố Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông là địa phương đầu tiên đảo ngược lệnh cấm đốt pháo, giới hạn sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán. Đến năm 2006, hơn 200 thành phố ở Trung Quốc chuyển từ cấm hoàn toàn sang hạn chế pháo hoa và pháo nổ.
Hoạt động đốt pháo diễn ra có giới hạn ở Trung Quốc trong nhiều năm. Đến năm 2014, chính quyền Trung Quốc đưa ra khuyến nghị người dân hạn chế đốt pháo trong dịp năm mới vì ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng.
Đến năm 2018, Trung Quốc áp đặt quy định mạnh mẽ hơn, cấm đốt pháo tại các thành phố lớn như Thiên Tân hay Bắc Kinh. Kết quả là Bắc Kinh vào đêm giao thừa gần như im tiếng pháo. Theo Reuters, tính đến năm 2018, chính quyền trung ương Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đốt pháo ở 444 thành phố.
Bắc Kinh là một trong nhiều thành phố khắp Trung Quốc cấm bắn pháo hoa do lo ngại sản phẩm này sẽ giải phóng các tác nhân độc hại gây ô nhiễm.
Nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc đã không còn bắn pháo hoa vào dịp Tết Nguyên đán.
Đốt pháo tạo ra lượng lớn bụi PM2.5, gây tổn hại đáng kể đến sức khỏe con người, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ở Thượng Hải, lệnh cấm pháo hoa và pháo nổ đã được duy trì từ năm 2016. Hơn 50.000 cảnh sát và các tình nguyện viên tuần tra liên tục trên đường phố, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, dẫn đến việc đốt pháo gần như biến mất hoàn toàn.
Wu Xiaoyue, một cư dân sống ở Thượng Hải, năm 2016 từng nói rằng đón Tết Nguyên đến với pháo nổ là điều không thể thiếu. Nhưng kể từ bây giờ mọi chuyện sẽ khác, theo China Daily.
“Chúng tôi dùng thiết bị tạo ra tiếng pháo nổ như thật ở nhà, nghe thật lạ nhưng đành chấp nhận để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Tôi nghĩ đó là nguyên nhân chính khiến người dân chấp nhận lệnh cấm”, cô nói.
Wu nói đường phố Thượng Hải trước đây tràn ngập sắc đỏ của pháo vào buổi sáng đầu tiên sau giao thừa, cảnh tượng cứ như trải thảm đỏ. Nhưng kể từ năm 2016, mọi chuyện đã khác.
Tất cả những người vi phạm lệnh cấm sẽ bị phạt 500 nhân dân tệ và bị đưa vào danh sách đen, rất khó xin việc, vay mượn tiền hay được hưởng phúc lợi xã hội. Hình thức răn đe cao là nguyên nhân người dân ở các thành phố lớn của Trung Quốc đã ngừng đốt pháo.
Ở vùng nông thôn, các quy định có phần nới lỏng hơn và người dân vẫn có thể đốt pháo với quy mô nhỏ.