Tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc.
"Các quốc gia khám phá vũ trụ phải giảm thiểu rủi ro đối với con người và tài sản trên Trái đất khi đưa vật thể quay trở lại từ không gian và minh bạch các hoạt động này", Giám đốc NASA Bill Nelson nói trong tuyên bố ngày 9.5, theo CNN.
“Rõ ràng Trung Quốc đã không đáp ứng tiêu chuẩn có trách nhiệm về rác thải vũ trụ”, ông Nelson nói.
Phần lớn mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B nặng 22 tấn đã bị thiêu rụi trong bầu khí quyển, một phần nhỏ rơi xuống vùng biển gần Maldives vào sáng ngày 9.5.
Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ cũng xác nhận tên lửa Trường Chinh 5B đã trở lại bầu khí quyển Trái Đất nhưng không rõ có mảnh vỡ nào rơi xuống đất liền hay không.
Trung Quốc phóng tên lửa Trường Chinh 5B mang module của trạm vũ trụ Trung Quốc vào quỹ đạo hôm 29.4. Tuy nhiên, tên lửa đã quay trở lại khí quyển với thời gian quay quanh Trái đất là 90 phút, sau đó rơi xuống biển.
Vị trí tên lửa rơi xuống biển gần Maldives.
Thông thường, các quốc gia khám phá vũ trụ luôn tìm cách tránh kịch bản rơi không kiểm soát như vậy. Tên lửa được tích hợp thêm hệ thống đẩy để tạo ra điểm rơi có kiểm soát hoặc được đưa lên hẳn không gian, lơ lửng ở vùng nằm giữa vũ trụ và khí quyển Trái đất.
“Tên lửa Trung Quốc được thiết kế để phần lõi rơi trở lại khí quyển”, Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Havard, nói. Điều đó có nghĩa là không thể xác định chính xác điểm rơi.
Đại dương chiếm phần lớn bề mặt Trái đất nên hầu hết các mảnh vỡ tên lửa đều rơi xuống biển, đôi khi vẫn có trường hợp gây thiệt hại nếu rơi vào khu dân cư.
“Chưa có quy định quốc tế cụ thể về vấn đề này. Nhưng các quốc gia trên thế giới đều cố gắng không tạo ra nguy cơ gây thiệt hại dưới mặt đất như vậy”, ông McDowel nói thêm.