Dân Việt

Bộ trưởng Nội vụ của Taliban: "Sếp sòng" nhóm khủng bố cực đoan bậc nhất thế giới?

Đăng Nguyễn - The Sun 10/09/2021 19:55 GMT+7
Nội các mới của Taliban bao gồm các nhân vật cứng rắn, như Bộ trưởng Nội vụ Sirajuddin Haqqani, người đứng đầu gia tộc Haqqani, có đội quân đánh bom tự sát riêng.

img

Sirajuddin Haqqani bị FBI truy nã từ năm 2008.

Theo The Sun, Mạng lưới Haqqani là một nhóm thánh chiến có tư tưởng cực đoan, trung thành với Taliban. Mạng lưới do các thành viên gia tộc Haqqani sáng lập, bị Mỹ và Liên Hợp quốc coi là tổ chức khủng bố.

Mạng lưới Haqqani từng gây ra những vụ đánh bom tự sát đẫm máu nhất và gây chấn động nhất ở Afghanistan trong 20 năm qua, bao gồm vụ đánh bom tự sát ở Kabul khiến 150 người chết năm 2018.

Mạng lưới Haqqani trực tiếp đào tạo các chiến binh thánh chiến, cung cấp một lực lượng chiến đấu đáng kể cho Taliban. Tân Bộ trưởng Nội vụ được Taliban chỉ định là Sirajuddin Haqqani, thủ lĩnh Mạng lưới Haqqani.

Người bác Khalil Haqqani và em trai của Sirajuddin, Anas Haqqani là hai nhân vật đáng chú ý khác trong tổ chức. Cả Sirajuddin và Khalil đều bị Mỹ treo thưởng 5 triệu USD cho bất kì ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ.

img

Khalil Haqqani, bác của Sirajuddin, là một nhân vật có ảnh hưởng trong tổ chức.

Anas được mô tả là một tư lệnh trong Mạng lưới Haqqani, từng bị chính phủ Afghanistan kết án tử hình nhưng được trả tự do thông qua đàm phán hòa bình.

Rob Clark, chuyên gia về chính sách quốc phòng của Tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại thuộc Hiệp hội Henry Jackson, có trụ sở ở Anh, nói chủ trương của Mạng lưới Haqqani là gây bạo lực.

“Họ là những kẻ khủng bố cực đoan nhất mà thế giới từng chứng kiến trong 20-30 năm qua”, Clark nói trên tờ The Sun.

Mạng lưới Haqqani được thành lập trong hàng thập kỷ, có mối liên hệ với al-Qaeda, cung cấp các trại huấn luyện cho tổ chức khủng bố này trước sự kiện ngày 11.9.2001.

Sirajuddin Haqqani bị FBI truy nã vì tình nghi liên quan đến vụ tấn công nhằm vào một khách sạn 5 sao ở Kabul năm 2008, khiến 6 người chết. Sirajuddin Haqqani cũng bị cáo buộc phối hợp và trực tiếp tham gia vào các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ và đồng minh ở Afghanistan.

img

Anas Haqqani từng bị chính quyền Afghanistan kết án tử hình, nhưng được tự do thông qua đàm phán hòa bình.

Sirajuddin Haqqani còn bị cáo buộc lên kế hoạch ám sát Tổng thống Afghansitan, khi đó là Hamid Karzai vào năm 2008.

Mạng lưới Haqqani được thành lập từ những năm 1980, ban đầu là tham gia chống Liên Xô ở Afghanistan. Sau khi Liên Xô rời đi, người sáng lập tổ chức, Jalaluddin Haqqani quay sang liên kết với al-Qaeda và Taliban, từng giữ chức Bộ trưởng trong chính quyền Taliban giai đoạn (1996-2001).

Năm 2018, Jalaluddin qua đời và con trai Sirajuddin Haqqani trở thành thủ lĩnh nắm quyền kiểm soát tổ chức.

Mạng lưới Haqqani nổi tiếng bởi các hoạt động đánh bom tự sát, đánh bom xe chất đầy thuốc nổ, được cho là sở hữu đội quân đánh bom liều chết riêng luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

img

Hiện trường vụ đánh bom kinh hoàng ở Kabul năm 2018 khiến 150 người chết.

Mạng lưới Haqqani đã chứng minh khả năng thực hiện các cuộc tấn công phức tạp, có tỉ lệ thương vong cao nhằm vào các mục tiêu như cơ sở quân sự và đại sứ quán.

Tổ chức này đứng sau vụ đánh bom Đại sứ quán Ấn Độ ở Kabul năm 2008 khiến 41 người chết và một vụ tấn công ở Đại sứ quán Mỹ năm 2011, khiến 16 người chết.

Một vụ tấn công khác xảy ra gần Đại sứ quán Đức năm 2017, khiến 90 người chết.

Năm 2013, lực lượng an ninh chặn một xe tải chất đầy bom của Mạng lưới Haqqani. Chiếc xe chứa tới 27 tấn thuốc nổ, một trong những xe bom chứa thuốc nổ lớn nhất từ trước đến nay.

“Tổ chức này chuyên lựa chọn các chiến binh có tư tưởng cực đoan, coi hành động tử vì đạo là cái chết cao cả”, chuyên gia Clark nói. “Những người này sẽ không thay đổi. Họ sẽ không cải cách”.