Dân Việt

TQ: Khai quật mộ Võ Tòng, hé lộ cái chết thê thảm, khác xa trong truyện Thủy Hử

Hồng Nhung (theo Sohu) 11/09/2021 18:55 GMT+7
Liệu Võ Tòng trong thực tế lịch sử có kết cục như trong “Thủy hử truyện”? Có ý kiến cho rằng, truyện đã hư cấu để đem lại cái kết viên mãn cho cuộc đời nhân vật.

img

Võ Tòng là một trong những hình tượng điển hình của hảo hán Lương Sơn (ảnh minh họa)

“Thủy hử truyện” viết: “Võ Tòng dũng mãnh thiên phu cụ, Sài Tiến phong lưu tứ hải trường”, nghĩa là Võ Tòng dũng mãnh ngàn người sợ. Nhưng những người sợ Võ Tòng lại là những kẻ xấu, kẻ ác.

Thủy hử truyện là một trong tứ đại danh tác trong văn học cổ điển Trung Quốc, được Thi Nại Am sáng tác vào khoảng giữa thế kỉ 14, từ những câu chuyện dân gian truyền miệng triều Bắc Tống, Trung Quốc.

Nội dung là những câu chuyện xoay quanh cuộc khởi nghĩa của 108 vị hảo hán. Họ xuất thân từ những tầng lớp xã hội khác nhau như nông dân, ngư dân, quan văn, quan võ. Vì nhiều lý do mà họ không thể không dấn thân vào con đường phản kháng triều đình. Trong truyện có miêu tả cụ thể về tính cách, sự tích của từng anh hùng hảo hán. Xung quanh mỗi hình tượng nhân vật là những câu chuyện sinh động.

img

Chuyện đánh hổ đồi Cảnh Dương cùng với chuyện báo thù, lấy mạng hai kẻ đã sát hại anh trai mình là Phan Kim Liên và Tây Môn Khánh khiến cho uy danh của Võ Tòng được nhiều người biết đến (ảnh minh họa)

Nhìn lại cuộc khởi nghĩa nông dân các triều đại ở Trung Quốc xưa, đa số đều không có kết cục tốt đẹp. Các câu chuyện được kể trong “Thủy hử truyện” cũng không ngoại lệ.

Võ Tòng là một trong những hình tượng điển hình của hảo hán Lương Sơn. Trong truyện, nhân vật này được miêu tả là có thể tay không đả hổ. Chuyện đánh hổ đồi Cảnh Dương cùng với chuyện báo thù lấy mạng Phan Kim Liên và Tây Môn Khánh, hai kẻ đã giết hại anh trai mình, khiến cho uy danh của Võ Tòng được nhiều người biết đến. Tất cả phản ánh quyết tâm loại bỏ cái ác cũng như sự anh dũng vô song của Võ Tòng.

“Thủy hử truyện” ghi chép về Võ Tòng như sau: Võ Tòng trong quá trình giao chiến với đại quân Phương Lạp, không may bị trúng phi đao, mất cánh tay trái. Sau đó, ông xuất gia tại chùa Lục Hòa để dưỡng bệnh và ở đây đến 80 tuổi rồi qua đời. Liệu Võ Tòng trong thực tế lịch sử có kết cục như vậy không? Có ý kiến cho rằng, “Thủy hử truyện” đã hư cấu, để đem lại cái kết viên mãn cho cuộc đời nhân vật.

img

Nơi phát hiện ra quan tài của Võ Tòng

Câu hỏi này đã được giải đáp vào năm 1894, khi người ta tiến hành tu sửa tường thành Dũng Kim Môn, Hàng Châu. Ngay khi các công nhân đưa động cơ vào đào, đã phát hiện ra một chiếc quan tài. Điều này đã làm cho họ hoảng sợ. Một công nhân tỏ ra bạo dạn hơn cả bước tới kiểm tra, phát hiện ra trên bề mặt cỗ quan tài có bốn chữ “Võ Tòng chi cữu” (quan tài của Võ Tòng). Vì vậy, họ lập tức liên hệ các chuyên gia khảo cổ.

Sau khi tiến hành khai quật, các chuyên gia khảo cổ đã đào ra được bia mộ Võ Tòng. Mở quan tài, họ thấy bên trong chỉ có thi hài với dáng cao lớn.

Tiến hành nghiên cứu tỉ mỉ, các nhà khảo cổ học xác định, đây chính là hài cốt của Võ Tòng. Nhưng điều làm họ ngạc nhiên là, Võ Tòng trong thực tế không bị mất cánh tay trái như lời kể trong truyện. Ông cũng không dưỡng già ở chùa Lục Hòa cho đến khi qua đời.

Nhà khảo cổ còn phát hiện ra những vết sẹo khác nhau chằng chịt trên xương đầu của hài cốt. Đây không phải kiểu sẹo do chinh chiến nơi sa trường để lại mà do ai đó cố tình làm ra. Kết hợp với nghiên cứu bia mộ, các nhà khảo cổ nhận định, có thể Võ Tòng đã phải trải qua một cái chết không dễ dàng, bị giam cầm và tra tấn dã man.

img

img

Mộ Võ Tòng sau khi được phát hiện

Trên bia mộ tìm được khi đó ghi: Võ Tòng sinh ra trong một gia đình nghèo khó, lớn lên thường làm việc thiện, được dân làng yêu mến. Về sau được bổ chức Tri phủ Hàng Châu. Khi đã là một viên quan nhỏ, ông vẫn hết lòng hết sức làm việc thiện giúp người. Chưa được bao lâu, vị tri phủ này đã bị lôi kéo vào cuộc đấu đá nội bộ triều đình. Võ Tòng bị liên đới, mất chức, về làm thường dân.

“Lâm An huyện chí” cho biết thêm, Tri phủ Hàng Châu (Võ Tòng) khi còn đương chức rất thanh liêm nên đã đắc tội với giới quyền lực trong triều đình. Vì vậy, ông bị bãi chức, đuổi ra khỏi nha môn.

Sau đó, chức tri phủ được giao cho một người khác là Sái Quân. Nhưng tri phủ mới không phải là người có lòng tốt. Sau khi nhậm chức, ông ta chẳng những không làm được gì cho dân mà còn bóc lột, chèn ép dân, làm điều ác. Người dân ở Hàng Châu sợ hãi ông ta, thường lén gọi ông ta là “Sái hổ”, ý là Sái Quân như con hổ ăn thịt người vậy.

Võ Tòng là người chính trực, không chịu nhìn cảnh dân bị ức hiếp nên đã đến phủ của Sái Quân, nhân lúc hắn không để ý, xông đến đâm nhiều nhát giết chết tên này.

img

Sau khi giết tên tri phủ tàn ác, Võ Tòng bị bắt (ảnh minh họa)

Sau cái chết của tên tri phủ tàn ác, Võ Tòng bị bắt. Sau đó, Võ Tòng mới biết tên tri phủ đó là con trai của đại quan Sái Kinh, thừa tướng nhà Bắc Tống.

Cũng theo “Lâm An huyện chí”, Võ Tòng đã bị tra tấn trong nhiều ngày cho đến chết trong ngục.

Trong thực tế lịch sử, Võ Tòng không đánh hổ mà chính là diệt trừ tên “Sái hổ”. Tác giả “Thủy hử truyện” Thi Nại Am đã căn cứ vào chuyện có thật này để viết chuyện Võ Tòng đánh hổ ở đồi Cảnh Dương.

Là một anh hùng nghĩa hiệp như vậy nhưng Võ Tòng phải chịu đựng một cái chết đau đớn. Điều này cũng phản ánh sự đen tối của vương quyền lúc bấy giờ, quan lại tham ô, chính quyền kém cỏi, mở đường cho sự diệt vong của vương triều Bắc Tống sau này.