Dân Việt

Xác quái vật biển sống ở độ sâu gần 1.000 mét trôi dạt bờ biển Mỹ

Đăng Nguyễn - LA TImes 12/05/2021 05:55 GMT+7
Xác một con quái vật biển trông giống hệt như trong bộ phim hoạt hình “Đi tìm Nemo”, gần đây trôi dạt vào bờ biển Newport Beach, bang California, Mỹ.

img

Xác quái vật biển kỳ dị trôi dạt bờ biển Mỹ.

Trong bộ phim hoạt hình “Đi tìm Nemo”, hình ảnh một con cá cần câu (anglerfish) với chiếc “ăng ten” phát sáng trên đầu, dụ và Marlin đuổi theo.

Ở ngoài đời thực, xác quái vật biển tương tự như cá cần câu gần đây trôi dạt bờ biển Newport Beach, bang California, Mỹ.

Những người ra biển phát hiện xác con cá cần câu miệng rộng gần nửa mét, gần như nguyên vẹn, khi đang đi dọc bờ cát của Công viên Crystal Cove, theo LA Times.

img

Sinh vật này chuyên sống ở độ sâu gần 1.000 mét.

Việc một loài quái vật biển như cá cần câu trôi dạt bờ biển là cực kỳ hiếm có. Sinh vật này thường chỉ sống ở độ sâu gần 1.000 mét.

“Loài cá này sống ở đáy biển sâu nên rất hiếm người có thể nhìn thấy hoặc nghiên cứu chúng. Chúng tôi đang xác minh điều gì khiến nó nổi lên và trôi dạt bờ biển”, Jessica Roame, điều phối viên tại dịch vụ câu cá thể thao và ngắm cá voi Davey’s Locker, nói.

Cá cần câu sử dụng một chiếc “ăng ten” ở phía trên đầu làm công cụ phát sáng, thu hút con mồi.

img

Xác sinh vật được đem đông lạnh, phục vụ nghiên cứu.

“Cách nhử mồi của loài cá này rất công phu, phức tạp, rất dễ nhận biết so với những loài khác”, Bill Ludt, trợ lý Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên hạt Los Angeles, cho biết.

Các chuyên gia đặc biệt chú ý bởi xác con cá trên vẫn còn gần như nguyên vẹn. Ludt nói cá cần câu không thuộc danh sách loài quý hiếm, nhưng việc nó dạt vào bờ với tình trạng trên là điều cực kỳ hiếm thấy.

John Ugoretz, quan chức Cục Cá và Động vật hoang dã bang California, nói xác quái vật biển hiện đang được đông lạnh để chờ sắp xếp chỗ bảo quản.

img

Cá cần câu trong bộ phim hoạt hình "Đi tìm Nemo".

Các bảo tàng ở Mỹ hiện đang trưng bày 3 xác cá cần câu, trong đó có một con ở California. Đây sẽ là còn thứ hai bổ sung vào bộ sưu tập tại bảo tàng địa phương, giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm về loài cá này trong tương lai, Ludt nói.