Dân Việt

Video: Lần đầu tiên quay cảnh mực khổng lồ săn mồi dưới đáy biển

Đăng Nguyễn - Daily Mail 13/05/2021 20:25 GMT+7
Mực khổng lồ là sinh vật rất khó để nhìn thấy vì chúng sống ở dưới đáy biển sâu, cần đến các thiết bị ghi hình chuyên dụng ở nơi tối đen như mực và có áp lực nước vô cùng lớn.

Trong khi xác một vài con mực khổng lồ từng trôi dạt vào bờ biển, những hình ảnh đầu tiên về mực khổng lồ còn sống xuất hiện năm 2004.

Đoạn video mực khổng lồ được quay vào năm 2019, nhưng đến nay mới được công bố chi tiết, bao gồm việc phân tích hành vi săn mồi của loài sinh vật bí ẩn này.

Một thiết bị tích hợp camera ghi hình và mồi nhử, được thả xuống biển sâu 760 mét, quay cảnh mực khổng lồ tấn công.

Mồi nhử có tên E-Jelly, được thiết kế để thu hút mực khổng lồ bằng cách bắt chước sự phát quang sinh học của một con sứa.

Các chuyên gia tin rằng, mực khổng lồ săn mồi theo cách nằm im chờ thời cơ. Nhưng đoạn video cho thấy nó âm thầm theo dõi mồi nhử, trước khi tung ra đòn tấn công.

img

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học quan sát cận cảnh mực khổng lồ săn mồi.

Mực khổng lồ là loài sinh vật chuyên sống ở dưới biển sâu, có thể phát triển chiều dài tới 12 mét và có đôi mắt to bằng quả bóng rổ.

Sự tồn tại của chúng được coi là niềm cảm hứng để người xưa sáng tạo quái vật kraken huyền thoại.

Đoạn video do các nhà khoa học ghi lại vào năm 2019 cũng là lần đầu tiên mực khổng lồ được ghi hình ở vùng biển thuộc Mỹ.

Với chiều dài 4 mét (không bao gồm xúc tu), con mực khổng lồ này chưa phải là lớn nhất, nhưng giúp cho các nhà khoa học hiểu thêm về hành vi săn mồi của chúng.

Con mực khổng lồ bơi quanh thiết bị tích hợp trong vài phút, trước khi tung ra đòn tấn công quyết định.

“Nó lao vào mồi nhử rất nhanh, giơ xúc tu và quấn chặt lấy mồi nhử”, nhà nghiên cứu Nathan Robinson nói.

Mực khổng lồ không hề nằm im chờ con mồi đi ngang qua như cách các nhà nghiên cứu thường nghĩ. Chúng chủ động săn mồi, định vị mục tiêu bằng đôi mắt to.

“Chúng tôi thực sự ấn tượng. Thế giới vẫn còn rất nhiều sinh vật khổng lồ mà chúng ta mới biết rất ít về chúng”, nhà nghiên cứu Robinson nói.

Robinson và các cộng sự đang nghĩ cách thay đổi kỹ thuật ghi hình để có thể thu hút những con mực khổng lồ to lớn hơn.