Phiến quân Karen với quân số khoảng 5.000 người là một trong những nhóm vũ trang mạnh nhất chống lại quân đội Myanmar.
Theo CNN, đề nghị ngừng bắn được quân đội Myanmar đưa ra trên kênh truyền hình MRTV, trong bối cảnh các nhóm phiến quân Myanmar tăng cường hoạt động kể từ cuộc đảo chính của quân đội ngày 1.2.
Phía quân đội Myanmar đề nghị các nhóm vũ trang “duy trì hoà bình” và quân đội sẽ “ngừng các hoạt động quân sự từ ngày 1.4-30.4”.
Quân đội khẳng định những người đe doạ an ninh của chính phủ sẽ không nằm trong đề nghị ngừng bắn trên.
Những người biểu tình Myanmar vẫn đổ ra đường sau hai tháng kể từ cuộc đảo chính, dẫn đến các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh.
Kể từ ngày 27.3, quân đội Myanmar đã huy động chiến đấu cơ dội bom các mục tiêu của phiến quân ở bang Karen, khiến nhiều người dân phải đi sơ tán.
Các mục tiêu không kích nằm trong vùng quyền kiểm soát của nhóm phiến quân người thiểu số ở Karen hay còn gọi là Liên minh Quốc gia Karren (KNU). KNU là một trong nhiều nhóm phiến quân lên tiếng ủng hộ người dân biểu tình phản đối đảo chính.
Quân đội Myanmar đề xuất ngừng bắn trong ngày Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhóm họp về vấn đề bạo lực ở Myanmar.
Kết thúc phiên họp, các thành viên Hội đồng Bảo an không đưa ra được biện pháp chung để chấm dứt bạo lực ở Myanmar.
“Chúng tôi sẽ xem xét các phương án. Tất cả các biện pháp đang được cân nhắc”, Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc, Barbara Woodward, nói.
Đại sứ Trung Quốc Zhang Jun lên án bạo lực ở Myanmar, ủng hộ các giải pháp ngoại giao để các bên có thể giải quyết bất đồng. Tuy nhiên, ông Zhang phản đối các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn của Liên Hợp Quốc nhằm vào Myanmar.