Dân Việt

Voi ma mút khổng lồ thời tiền sử sắp được hồi sinh?

Đăng Nguyễn - CNN 14/09/2021 11:15 GMT+7
Hồi sinh loài voi ma mút đã tuyệt chủng cách đây hơn 4.000 năm từng được coi là chuyện viễn tưởng. Nhưng với bước tiến của công nghệ, các nhà khoa học đang rất nghiêm túc với dự án này.

img

Voi ma mút có thể được hồi sinh trong dự án mới.

Nhà di truyền học George Church, đến từ Trường Y Havard ngày 13.9 tuyên bố đã nhận được khoản đầu tư 15 triệu USD để hồi sinh voi ma mút, dựa trên các mẫu ADN thu thập được.

Những người ủng hộ nói rằng việc đưa voi ma mút trở lại có thể giúp khôi phục hệ sinh thái mong manh ở Bắc Cực, chống lại cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu và bảo tồn loài voi châu Á có nguy cơ tuyệt chủng - loài voi có quan hệ họ hàng gần gũi nhất với voi ma mút.

Tuy nhiên, đây là một kế hoạch táo bạo và có liên quan đến các vấn đề đạo đức. Các nhà khoa học cũng khẳng định chưa thể tạo ra voi ma mút nguyên bản 100%, mà thông qua kỹ thuật di truyền, tạo ra một loài voi lai giữa voi hiện đại và voi ma mút.

Nếu dự án thành công, nhìn từ bên ngoài sẽ không thể phân biệt voi lai với loài voi ma mút cổ xưa đã tuyệt chủng.

“Mục đích của chúng tôi là tạo ra voi ma mút con trong 4-6 năm tới”, doanh nhân công nghệ Ben Lamm, người cùng chuyên gia George Church lập ra Colossal – công ty khoa học sinh học và di truyền học tham gia vào dự án.

“Trước đây, dự án này được coi là điều viễn tưởng, nhưng chúng tôi có thể làm được”, ông Church nói. “Dự án này sẽ làm thay đổi mọi thứ”.

img

George Church, giáo sư di truyền học tại Trường Y Harvard.

Ông Church là người đi đầu trong lĩnh vực gen, bao gồm cả việc sử dụng CRISPR, công cụ chỉnh sửa gen mang tính cách mạng với khả năng viết lại các đoạn mã di truyền cấu tạo nên sự sống, làm thay đổi đặc tính của các loài sống.

Một trong những nghiên cứu của ông là tạo ra những con lợn có nội tạng tương thích với cơ thể người, phục vụ ghép tạng.

“Chúng tôi đã tạo ra những con lợn khỏe mạnh, có nội tạng cấy ghép phù hợp với con người”, Church nói. “Với loài voi, mục tiêu này khác biệt nhưng về cơ bản vẫn là cách chỉnh sửa gene”.

Nói cách khác, ông Church và các cộng sự sẽ sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gene để tạo ra một con voi châu Á với đầy đủ đặc tính của voi ma mút cổ xưa.

Ông Church đề cập đến khả năng sử dụng voi sống để nuôi cấy bào thai lai tạo. “Việc chính sửa gene sẽ không quá khó khăn. Chúng tôi đã có kinh nghiệm làm điều đó”, ông nói.

Một số chuyên gia nhắc đến vấn đề đạo đức khi sử dụng voi sống để nuôi cấy bào thai chỉnh sửa gene, cũng như không có gì đảm bảo voi ma mút lai tạo sẽ giúp làm chậm quá trình tan băng vĩnh cửu và hạn chế giải phóng carbon gây hiệu ứng nhà kính.

Love Dalén, giáo sư di truyền học tiến hóa tại Trung tâm Di truyền học cổ ở Stockholm, Thụy Điển, nói: “Có thể voi ma mút lai tạo sẽ có ích ở vườn thú. Tôi cảm thấy không có vấn đề gì nếu chúng sống ở các công viên hoang dã, giúp các trẻ em hiểu thêm về quá khứ”.