Tuyển sinh, đăng ký kết hôn thế nào khi bỏ sổ hộ khẩu?
Trả lời câu hỏi trực tuyến của người dân về việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì căn cứ vào đâu để chứng minh rằng công dân đã đăng ký thường trú, tạm trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mỗi khi khai thông tin trong các giao dịch hành chính như: tuyển sinh, ngân hàng, bảo hiểm, đăng ký kết hôn…?
Ảnh: Công an TP.Hà Nội tổ chức cấp CCCD gắn chíp điện tử cho người dân theo từng địa bàn dân cư.
Theo Bộ Công an, thời gian tới, khi thẻ CCCD gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục (VD: tuyển sinh, bảo hiểm xã hội, đăng ký kết hôn…) sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà CHỈ CẦN DÙNG thẻ CCCD có gắn chíp thì sẽ thực hiện được các giao dịch.
Ngoài ra, việc tích hợp chíp trên CCCD đem lại tính linh hoạt khi cần bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên thẻ sau khi phát hành bởi cơ quan Công an. Dữ liệu trên chíp có thể truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chíp, giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay lập tức, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính.
Bộ Công an cho biết việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì khi công dân làm các thủ tục hành chính có liên quan sẽ được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua mã số định danh cá nhân. Công dân được sử dụng số định danh để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú. Khi tham gia các giao dịch thì công dân có thể xuất trình CCCD (có thông tin về số định danh cá nhân) để cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin về nơi cư trú của công dân đã cung cấp với thông tin có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi làm những thủ tục hành chính này, cơ quan chức năng KHÔNG BẮT BUỘC công dân phải xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú.
Như vậy, khi người dân thực hiện các thủ tục như xin học cho con (tuyển sinh), đăng ký kết hôn, giao dịch ngân hàng, bảo hiểm… chỉ cần mang duy nhất CCCD gắn chíp để thực hiện các thủ tục hành chính trên.
Bên cạnh đó, khi triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an sẽ nghiên cứu để có nhiều hình thức khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu bảo đảm tính thông suốt, liên tục và dễ tiếp cận, dễ dử dụng, tạo thuận lợi tối đa cho công dân.
Ưu điểm của CCCD gắn chíp điện tử
Về tính bảo mật của CCCD gắn chíp điện tử, Bộ Công an cho hay chíp sử dụng trên thẻ Căn cước công dân tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam, trên chíp có thực hiện ký số, do vậy khó làm giả, đảm bảo độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch.
Chíp có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay), cho phép xác thực đảm bảo chính xác con người. Qua đó, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính.
Khi đề xuất sử dụng Căn cước công dân có gắn chíp điện tử, Bộ Công an đã xây dựng phương án đảm bảo tính bảo mật thông tin được lưu trữ trên chíp; phương án này được các đơn vị chuyên môn đánh giá, nghiệm thu, đảm bảo bảo mật trước khi đưa vào phát hành sử dụng rộng rãi trong xã hội.
Tiện lợi cho việc kiểm tra thông tin trên thẻ CCCD
Theo Thông tư 06/2021/TT-BCA quy định về mẫu thẻ CCCD gắn chíp, ngoài chíp điện tử, mã QR code in trên thẻ có thể giúp chủ thẻ kiểm tra thông tin cá nhân qua ứng dụng.
Cụ thể, 7 trường thông tin cơ bản của công dân được lưu trữ trong mã QR code gồm:
- Số CCCD gắn chip.
- Số Chứng minh thư nhân dân cũ (9 số - nếu có).
- Họ và tên (Full name).
- Ngày sinh (Date of birth).
- Giới tính (Sex).
- Địa chỉ thường trú (Place of residence).
- Ngày cấp (Date – Month – Year).
Như vậy, chỉ cần 1 chiếc Smartphone, người dân có thể kiểm tra tính chính xác của thông tin trên thẻ CCCD đối chiếu với thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia. Trong trường hợp thông tin có sai lệch, người dân có thể đến cơ quan có thẩm quyền để thực hiện thay đổi, cập nhật lại thông tin của mình một cách chính xác nhất.