Dân Việt

Đội tàu cá Trung Quốc bị tố hủy hoại ngư trường màu mỡ nhất thế giới

Đăng Nguyễn - Guardian 15/06/2021 08:27 GMT+7
Đội tàu cá Trung Quốc ở Thái Bình Dương đã tăng 500% về số lượng kể từ năm 2012 và vơ vét một lượng lớn cá ngừ gây lo ngại.

img

Một đội tàu cá Trung Quốc.

Tại vùng lãnh thổ Tokelau thuộc New Zealand, 1.400 cư dân tại đây tuân theo một hệ thống đánh bắt hải sản, giúp bảo đảm mọi hộ gia đình đều nhận được cá sau mỗi chuyến ra khơi.

Vài lần mỗi tháng, tất cả đàn ông ở Tokelau lại cùng nhau ra khơi. Các ngư dân khởi hành lúc nửa đêm và trở về sau 12 giờ.

Toàn bộ chiến lợi phẩm sau đó được phân thành các loại cá với kích cỡ khác nhau. Những gia đình đông người sẽ được nhận phần chia lớn hơn.

Trên khắp Thái Bình Dương, cách đánh cá truyền thống của người bản địa từ lâu đã tồn tại song song với hoạt động khai thác cá thương mại.

Nhưng sự xuất hiện của các tàu đánh cá vỏ thép từ Trung Quốc đã làm đảo lộn hoạt động đánh bắt trên.

Kể từ năm 2012, đội tàu cá Trung Quốc ở Thái Bình Dương đã tăng 500% về số lượng, vơ vét một lượng lớn cá ngừ tại ngư trường màu mỡ nhất thế giới, theo Guardian.

img

Tàu cá Trung Quốc đánh bắt hải sản ở Thái Bình Dương.

Thái Bình Dương cung cấp hơn 50% sản lượng đánh bắt cá ngừ toàn cầu. Nhưng ước tính 20% sản lượng cá tại khu vực bị khai thác trái phép.

Tàu cá Trung Quốc đi theo đội hình dài tới 100 km, mỗi chiếc có 3.000 lưỡi câu. Những tàu này dùng thiết bị điện tử để xác định vị trí đàn cá, sau đó dùng tàu cao tốc để quây lưới câu.

Một cuộc điều tra về tàu cá hoạt động ở Thái Bình Dương năm 2016 cho thấy số tàu cá mang cờ Trung Quốc vượt xa mọi quốc gia khác.

Các đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc hoàn toàn thống trị vùng biển quốc tế. Ngoài cá ngừ vây vàng và albacore, tàu cá Trung Quốc cũng đánh bắt cá mập để lấy vây, phần còn lại bị vứt bỏ ngay trên biển.

Theo thống kê của Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC), Trung Quốc có 600 tàu cá được cấp phép, trong tổng số 1.300 tàu cá nước ngoài hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương.

Đầu năm 2021, Trung Quốc ra lệnh cấm tàu cá nước này khai thác mực ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương trong vòng 3 tháng để khôi phục nguồn thủy sản.

Trung Quốc ước tính có khoảng 1.600-3.400 tàu cá. Tuy nhiên, nghiên cứu của Viện Phát triển Hải ngoại (ODI) có trụ sở tại London, Anh, cho thấy số tàu cá Trung Quốc thực tế cao gấp 5-8 lần.

img

Cá ngừ đông lạnh bên trong một tàu cá Trung Quốc.

Trong giai đoạn 2017-2018, khoảng 12.490 tàu cá Trung Quốc đã hoạt động bên ngoài các vùng biển của Trung Quốc, nghiên cứu của ODI cho biết.

“Các ngư trường truyền thống của Trung Quốc đang cạn kiệt, đội tàu cá ngày càng đánh bắt xa hơn, vươn ra khắp thế giới, đóng thêm nhiều tàu mới để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hải sản trong nước”, Miren Gutierrez, nhà nghiên cứu ở ODI, nói.

“Trung Quốc giống như cường quốc về nghề cá”, nghiên cứu cho biết. “Trung Quốc có đội tàu cá đông đảo nhất và khả năng đánh bắt xa bờ đáng kể nhất”.

Tàu cá Trung Quốc đối mặt vô số cáo buộc đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không kiểm soát (IUU).

Hồi tháng 1, Viện Brookings công bố nghiên cứu, dựa trên thông tin từ các cơ quan quản lý, giới công nghiệp và truyền thông, cho thấy "hoạt động đánh cá của Trung Quốc tạo ra mối đe dọa trầm trọng chưa từng có".

Nghiên cứu của Viện Brookings cho biết nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong nước, dẫn tới việc Trung Quốc triển khai đội tàu cá khổng lồ càn quét khắp thế giới, đã gây ra "tác động tàn phá" ở những ngư trường màu mỡ.

“Khi đội tàu cá Trung Quốc hoạt động, những con tàu này khai thác không ngừng nghỉ, hết sức tham lam”, Michael Sinclair, tác giả nghiên cứu, cựu chỉ huy tàu cảnh sát biển Mỹ, nói.

Đầu năm 2020, Ecuador cáo buộc ít nhất 150 tàu cá Trung Quốc tắt hệ thống định vị khi hoạt động trái phép gần quần đảo Galapagos. Tháng 4.2020, Cục Kiểm ngư Trung Quốc tuyên bố sẽ cấm mọi tàu cá và thuyền trưởng bị phát hiện đánh cá trái phép, không khai báo, không kiểm soát, bất kể khu vực hoạt động ở đâu.

Nhưng các nhà quan sát bày tỏ sự hoài nghi với lệnh cấm của nhà chức trách Trung Quốc vì tình trạng đánh bắt như trên vẫn đang diễn ra ở hàng ngày, theo Guardian.