Sự thật bất ngờ vụ 'người dân không có chỗ trọ phải ra ống cống ở'
Trên mạng xã hội lan truyền thông tin "Bà con không còn nơi trọ phải chọn ống cổng làm nơi trú thân" kèm hình ảnh một người đàn ông và một phụ nữ sống trong ống cống ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM.
Công an xã Vĩnh Lộc A đã vào cuộc xác minh, xác định: Giữa tháng 8/2021, Nguyễn Đình B (quê Thừa Thiên Huế) và chị Trần Thị Kim L (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) đến thuê phòng trọ ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh sống chung. Trong thời gian ở trọ, giữa hai người thường xuyên cãi nhau làm ảnh hưởng tới những người xung quanh. Chủ nhà trọ đã nhắc nhở nhiều lần, yêu cầu khắc phục.
Đến ngày 12/9, hai người đi thuê phòng trọ khác nhưng chưa có nên dọn ra ống cống gần đó ở tạm.
Ngày 15/9, Công an huyện Bình Chánh đã vận động, đưa hai chị L về sinh sống tại nhà của anh ruột ở xã Vĩnh Lộc A, anh B về sinh sống tại nhà mẹ tại huyện này.
Kết quả xác minh của Vụ 8 trong vụ giảm án tù cho 'trùm' cờ bạc Phan Sào Nam
Phan Sào Nam - người tổ chức, điều hành đường dây đánh bạc nghìn tỷ dưới hình thức game bài được ra tù vào ngày 6/2/2021 sau khi được giảm 22 tháng. Sau đó, ngày 12/4, Vụ Kiểm sát việc tạm giam, tạm giữ (Vụ 8) - Viện KSND Tối cao xem xét lại hai quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của TAND tỉnh Quảng Ninh đối với phạm nhân này.
Kết quả xác minh của Vụ 8 - VKSND Tối cao tại Trại tạm giam và Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ xác định, trong quá trình giam giữ không có việc Phan Sào Nam viết thư động viên đối tượng truy nã quốc tế Lê Văn Kiên (Kiên là đồng phạm của Phan Sào Nam trong việc tổ chức đường dây đánh bạc và bỏ trốn sang Philippines) về nước đầu thú. Ngoài ra, điều tra viên và cán bộ điều tra không biết Phan Sào Nam tác động đến gia đình Lê Văn Kiên như thế nào, không có tài liệu xác định Phan Sào Nam gửi thư ra ngoài để vận động đầu thú.
Phan Sào Nam tại phiên toà trước đó
Theo đó, cơ quan chức năng xác định, văn bản của Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ xác nhận Phan Sào Nam lập công là không có căn cứ.
Ngoài tình tiết “lập công” không có thật, tài liệu xác minh của cơ quan tố tụng, thể hiện Phan Sào Nam không tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra.
Đáng chú ý, khi xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù cho Phan Sào Nam, Trại giam Quảng Ninh còn căn cứ vào đơn trình bày hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn của bà Phan Thu Nga (mẹ của Nam). Tuy nhiên, kết quả xác minh tại UBND phường Đa Kao, quận 1, TPHCM cho thấy, gia đình Nam không thuộc trường hợp có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn. Như vậy, có căn cứ xác định đơn trình bày gia đình có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn của gia đình Phan Sào Nam là không đúng.
Phát hiện tờ giấy nghi là "thư tuyệt mệnh" trên ô tô của Bí thư thị trấn Lai Uyên, Bình Dương
Ông LNV (sinh năm 1976, Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, Bình Dương) được phát hiện tử vong trong xe ô tô cá nhân vào chiều 14/9 trong khu công nghiệp Mỹ Phước 2 (thị xã Bến Cát, Bình Dương). Qua xét nghiệm nhanh, ông V. âm tính với COVID-19.
Hiện trường nơi phát hiện sự việc.
Theo thông tin ban đầu, tối 13/9, ông V. rời khỏi nhà riêng trong khu công nghiệp Mỹ Phước 2 đến cơ quan để trực.Sáng hôm sau, mọi người đợi ông V. đến họp thì không thấy. Gọi điện thoại cũng không liên lạc được.
Chính quyền địa phương đã nhanh chóng tổ chức tìm kiếm. Đến khoảng 14 giờ, một người dân phát hiện chiếc xe của ông V. đậu bất thường bên đường trong khu công nghiệp Mỹ Phước 2 nên báo cơ quan công an.
Trong xe ô tô cá nhân nơi phát hiện ông V. tử vong có một tờ giấy nghi là “thư tuyệt mệnh”. Phía cơ quan điều tra cho biết vẫn chưa thể khẳng định “thư tuyệt mệnh” này có phải do ông V. viết hay không. Phía cơ quan công an vẫn đang giám định chữ viết.
21 quận, huyện, thị xã ở Hà Nội được mở lại một số dịch vụ từ 12h ngày 16/9
Ngày 15/9, Bộ Y tế công bố 10.583 ca mắc COVID-19. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 641.244 ca, trong đó có 409.876 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tại Hà Nội: Từ 12h00 ngày 16/9, 21 quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng được hoạt động một số cơ sở kinh doanh.
Cụ thể, cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập. Cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hằng ngày.
Tại TPHCM: Kể từ hôm nay, 15/9, quận 7 sẽ thí điểm cho 150 doanh nghiệp, hộ kinh doanh được phép hoạt động trở lại có kiểm soát.
Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM vừa đề xuất UBND TP HCM hỗ trợ cho 7.546.710 người (không phân biệt thường trú, tạm trú hay lưu trú), mỗi người 1 triệu đồng/lần.