Dân Việt

Cảnh như trong thế giới khác ở Bắc Kinh: Vì đâu?

Đăng Nguyễn - Hoàn Cầu 16/03/2021 13:55 GMT+7
Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 15.3 trải qua ngày chịu ảnh hưởng của bão cát tồi tệ nhất trong một thập kỷ, khiến tầm nhìn giảm mạnh và nồng độ bụi PM10 tăng vọt.

img

Người dân Bắc Kinh được khuyến cáo hạn chế ra đường trong ngày 15.3.

Theo truyền thông Trung Quốc, cảnh báo bão cát được đưa ra lúc 7 giờ 25 phút sáng ngày 15.3, đài quan sát khí tượng Bắc Kinh cho biết. Với mức ảnh báo vàng, người dân Trung Quốc được yêu cầu tránh ra ngoài đường và đeo khẩu trang.

Đài quan sát khí tượng Bắc Kinh nói đợt bão cát có nguồn gốc từ Mông Cổ này mạnh nhất trong một thập kỷ trở lại đây, tầm ảnh hưởng cũng là lớn nhất.

Đợt bão cát này là kết quả của tác động hỗn hợp của không khí lạnh và lốc xoáy từ Mông Cổ. Bão cát dần dần di chuyển về phía nam cùng với luồng không khí và bắt đầu ảnh hưởng đến Bắc Kinh, theo hướng từ bắc xuống nam từ 3 giờ sáng, theo Trung tâm Giám sát Môi trường và Sinh thái thành phố Bắc Kinh.

Hôm 15.3, Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Quốc gia Mông Cổ cho biết, trận bão cát mạnh tràn qua nước này đã khiến 10 người thiệt mạng và 590 người mất tích.

Tốc độ gió ghi nhận tại nhiều nơi ở Mông Cổ lên tới 20 m/giây, gió giật lên tới 30-34 m/giây. Đợt bão cát khiến nồng độ bụi PM10 ở Bắc Kinh tăng lên mức 10.000 microgram/m3, tầm nhìn giảm còn 1km.

Wang Gengchen, nhà nghiên cứu tại Viện Vật lý Khí quyển thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, nói đây là trận bão cát lớn nhất trong hàng chục năm, và bão cát thỉnh thoảng vẫn đôi khi xảy ra.

Tình hình bão cát đã được cải thiện trong vài năm gần đây do Trung Quốc đã nỗ lực để hạn chế sự mở rộng của sa mạc, cải thiện nỗ lực chống lại cát và bụi từ Nội Mông và quốc gia láng giềng Mông Cổ. Đây là cuộc chiến lâu dài vì những khu vực cát bụi bao phủ là rất lớn, Wang giải thích.

“Bão cát lần này có cường độ và mức độ rất lớn, vượt xa ngoài khả năng dự đoán. Chúng tôi chưa thể hiểu rõ được bản chất của hiện tượng này”, Zhao Yingmin, Thứ trưởng Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, nói. “Bão cát chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân tự nhiên, nhưng đây là dấu hiệu cho thấy môi trường sinh thái rất mong manh”.

Năm 1978, Trung Quốc khởi động chương trình trồng rừng ở phía tây bắc, bắc và đông bắc. Dự án gồm 8 giai đoạn, bao phủ 13 khu vực tỉnh thành, chiếm 42,4% tổng diện tích đất trên cả nước. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2050.

Trong hơn 40 năm qua, hơn 7,88 triệu ha cây chắn gió đã được trồng, 336.000 km2 đất hoang mạc được quản lý và hơn 10 triệu ha đồng cỏ ở sa mạc đã được phục hồi, theo Cục Lâm nghiệp Quốc gia và Cơ quan quản lý Đồng cỏ Trung Quốc.