Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp đón lãnh đạo Taliban ở Thiên Tân vào tháng trước.
Những luận điểm đó càng trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp các lãnh đạo Taliban tại Thiên Tân vào tháng trước. Ông Vương nói Taliban “đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hòa giải hòa bình và tái thiết ở Afghanistan”.
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng, Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan đặt ra cho Trung Quốc nhiều thách thức an ninh hơn là bất cứ lợi ích chiến lược nào, theo CNN.
“Trung Quốc không nhìn Afghanistan qua lăng kính của cơ hội. Đó chỉ là vấn đề kiểm soát mối đe dọa”, Andrew Small, một thành viên của Quỹ Marshall Đức ở Washington, nói trong cuộc trả lời phỏng vấn với Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại.
Trung Quốc có lý do để cảm thấy không thoải mái về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan, quốc gia có đường biên giới dài 80km với Tân Cương, Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ sự ổn định mà Mỹ đem lại trong 2 thập kỷ qua.
Trung Quốc đặc biệt quan ngại về khả năng Afghanistan lại trở thành nơi các tổ chức khủng bố và các nhóm cực đoan trú chân, đặc biệt là ccác nhóm có liên quan, dung túng, bao che cho các thế lực đòi ly khai ở vùng Tân Cương.
Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Taliban trên cơ sở đảm bảo lợi ích và an ninh của Trung Quốc.
Đây là điều mà ông Vương Nghị đã nói trong cuộc gặp với các lãnh đạo Taliban. Vấn đề cũng không chỉ gói gọn ở biên giới. Trung Quốc đã đầu tư nhiều tiền của vào khu Trung Á, dựa trên sáng kiến Vành đai Con đường. Taliban trỗi dậy có thể đe dọa đến lợi ích kinh tế và chiến lược của Trung Quốc trong khu vực.
“Bắc Kinh tỏ ra không quan tâm đến vấn đề phe phái ở Afghanistan. Nhưng thực tế là tư tưởng Hồi giáo cứng rắn của Taliban là điều Trung Quốc không hề thoải mái”, ông Small nói thêm. “Sự thành công của Taliban có thể thúc đẩy các nhóm thánh chiến khác trong khu vực”.
Vấn đề càng nổi cộm khi 9 công dân Trung Quốc thiệt mạng trong một vụ đánh bom tự sát ở Pakistan vào ngày 14.7. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào người Trung Quốc ở Pakistan, phản ánh một bộ phận các nhóm thánh chiến có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc.
Sự bất an của Bắc Kinh phản ánh trong các tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bao gồm chỉ trích Mỹ hành động "vô trách nhiệm" trong việc "rút quân quá vội vàng".
Bắc Kinh cũng khẳng định không có kế hoạch gửi quân đến Afghanistan để thay thế Mỹ. Theo nhận định trên tờ Hoàn Cầu, những gì Trung Quốc có thể làm là tham gia tái thiết Afghanistan sau chiến tranh và thúc đẩy các dự án nằm trong sáng kiến Vành đai Con đường.
Nhìn nhận thất bại của Mỹ ở Afghanistan, Trung Quốc dường như đã nhận ra bài học, rằng “Afghanistan là mồ chôn các cường quốc”.
Thay vì lặp lại sai lầm của Mỹ, Trung Quốc có cách tiếp cận thận trọng hơn, sẵn sàng hợp tác với Taliban, miễn là tổ chức này không đe dọa lợi ích của Trung Quốc.
Trong tuyên bố ngày 15.8, Đại sứ quán Trung Quốc ở Afghanistan đã yêu cầu Taliban “đảm bảo an toàn cho công dân, các tổ chức và lợi ích của Trung Quốc”.
Trung Quốc hiện vẫn đang theo sát các diễn biến và chưa ghi nhận thương vong liên quan đến công dân ở Afghanistan.