Sao chổi có thể đã gây ra thảm họa khiến khủng long tuyệt diệt cách đây 66 triệu năm
Một nhóm các nhà thiên văn học đến từ Đại học Harvard ở Mỹ, tuyên bố đã giải mã thành công bí ẩn liên quan đến vật thể khổng lồ đâm xuống Trái đất.
Các nhà thiên văn học kết luận, vật thể đâm xuống Trái đất cách đây 66 triệu năm hình thành từ khu vực lạnh giá ở ngoài rìa Hệ Mặt trời. Sao chổi khổng lồ này trong khi di chuyển vào tâm Hệ Mặt trời, đi qua sao Mộc.
Lực hấp dẫn của sao Mộc khiến sao chổi này đổi hướng và lao đến Trái đất. “Nhìn từ Trái đất sẽ thấy sao chổi này rất đẹp. Nhưng cái đẹp chấm dứt khi sao chổi đâm xuống mặt đất”, đồng tác giả nghiên cứu, Abraham Loeb, giáo sư khoa học tại Đại học Harvard, nói với CNN.
Phát hiện mới khẳng định thứ đâm xuống Trái đất cách đây 66 triệu năm là sao chổi chứ không phải mảnh thiên thạch
“Sao Mộc giống như máy trò chơi pinball, đẩy sao chổi lao về phía Trái đất”, tác giả nghiên cứu, Amir Siraj nói.
Do hình thành ở vùng lạnh giá bên rìa Hệ Mặt trời, thứ lao về phía Trái đất tạo ra vệt khí gas và bụi đằng sau, nên gọi là sao chổi.
Sao chổi có kích thước to lớn đến mức kích thước của nó vẫn còn rất lớn khi đâm xuống Trái đất, tạo nên sự kiện đại tuyệt chủng. “Sao chổi bay gần đến Mặt trời và bị vỡ thành nhiều mảnh, một trong những mảnh đó rơi xuống Trái đất, giết chết loài khủng long”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng mô hình mới cho thấy sao chổi có khả năng đâm vào Trái đất gấp 10 lần so với thiên thạch.
Hai nhà nghiên cứu Siraj và Loeb nói sự kiện tương tự có thể xảy ra cách mỗi 250 triệu cho tới 750 triệu năm. “Đó chỉ là con số ước chừng, không thể biết chính xác khi nào sao chổi mới gây thảm họa sẽ tới”, Loeb nói. “Cách tốt nhất để biết là nhìn lên bầu trời và tìm kiếm”.