Các quan tài trong lăng mộ hơn 2.000 năm tuổi.
Theo Sohu, lăng mộ có niên đại khoảng 2.000 năm, được một người dân địa phương phát hiện ở tỉnh Tĩnh An, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc vào năm 2007.
Người dân địa phương thông báo với nhà chức trách và các nhà khảo cổ đã đổ xô đến khu vực. Khai quật lăng mộ, các nhà khảo cổ hết sức bất ngờ. Bởi ngoài một quan tài ở trung tâm, bao quanh là 46 quan tài khác.
Quan tài ở trung tâm được xác định là chủ nhân lăng mộ, do kích thước và chất liệu khác biệt hoàn toàn, được làm từ gỗ quý hiếm.
Ngoại trừ quan tài của chủ nhân, toàn bộ 46 quan tài khác đều chứa hài cốt của các cô gái trẻ bị chôn trong tình trạng khỏa thân, độ tuổi trung bình chỉ khoảng 20. Các nhà khảo cổ phát hiện dấu hiệu cho thấy các cô gái này đã phải chịu đau đớn cùng cực khi bị đầu độc và chôn sống trong quan tài. Ngược lại, chủ nhân ngôi mộ dường như ra đi rất thanh thản.
Các quan tài được đánh số trong lăng mộ.
Dựa trên các bằng chứng thu thập ở lăng mộ, các nhà khảo cổ Trung Quốc tin rằng ngôi mộ cổ có từ thời Chiến quốc trong lịch sử Trung Quốc, cách đây hơn 2.000 năm. Danh tính của chủ nhân ngôi mộ đến nay vẫn còn là điều bí ẩn.
Theo Sohu, chuyện các quý tộc và hoàng tộc Trung Hoa khi chết được chôn cùng người sống diễn ra khá phổ biến trong lịch sử phong kiến, do quan niệm một người sau khi chết sẽ sang thế giới bên kia.
Ngoài việc được chôn cùng của cải để sang thế giới bên kia vẫn được tận hưởng vinh hoa phú quý, người chết cũng cần đến những người hầu.
Các nhà khảo cổ tìm hiểu khu lăng mộ.
Sohu cho biết, nguồn gốc của tập tục này tồn tại từ thời nhà Thương, đến thời nhà Tần thì bắt đầu có sự thay đổi. Lăng mộ của hoàng đế Trung Hoa Tần Thủy Hoàng được chôn cùng đội quân đất nung.
Tập tục chôn cùng người sống kéo dài đến thời Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương và chỉ chấm dứt hoàn toàn khi Khang Hi (1654-1722), hoàng đế nhà Thanh lên ngôi. Khang Hi nghiêm cấm việc sử dụng người còn sống để chôn cất, từ đó sử sách Trung Quốc không còn ghi nhận bất kỳ trường hợp chôn cùng người sống nào nữa, theo Sohu.