Dân Việt

Báo Trung Quốc chê Mỹ mất tự tin, chiến lược đối phó Nga-Trung của ông Biden cũ

Đăng Nguyễn - Hoàn Cầu 19/02/2021 15:40 GMT+7
Tổng thống Joe Biden và các quan chức Mỹ không hề sáng tạo hay có bất kì bước đột phá nào trong việc đề ra chiến lược đối phó Trung Quốc và Nga, truyền thông nhà nước Trung Quốc bình luận.

img

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mong muốn các đồng minh chi thêm nguồn lực hỗ trợ Mỹ đối phó Nga-Trung, theo tờ Thời báo Hoàn Cầu.

Động thái này nhiều khả năng sẽ được các đồng minh của Mỹ ở châu Âu hưởng ứng.

“Trung Quốc và Nga luôn đi đầu trong nỗ lực chống lại trật tự quốc tế”, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO, Jens Stoltenberg nói. “Hội nghị giữa NATO với ông Biden diễn ra cuối năm nay là cơ hội để bắt đầu chương mới trong mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương”.

Bình luận của ông Stoltenberg được đưa ra trước cuộc họp trực tuyến cấp Bộ trưởng Quốc phòng NATO diễn ra trong tuần này. Đây là hội nghị đầu tiên có sự tham gia của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

Các bộ trưởng sẽ thảo luận về chiến lược của NATO trong một thập kỷ tới, bao gồm tăng ngân sách cho "các hoạt động răn đe và phòng thủ cốt lõi.

Lü Xiang, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói đây là chiến lược mà Mỹ và NATO luôn thực hiện trong nhiều thập kỷ qua và không có gì bất ngờ.

“Mỹ và phương Tây đang đang đánh mất sự tự tin vì không thể kiểm soát đại dịch Covid-19, so với nỗ lực ngăn chặn đại dịch thành công của Trung Quốc”, ông Lü nói thêm.

Yang Jin, một chuyên gia khác tại Học viện Khoa học và Xã hội Trung Quốc, nói Mỹ đang gặp vấn đề nghiêm trọng ở trong nước, tầm ảnh hưởng toàn cầu suy giảm, nên cần các đồng minh châu Âu giúp đỡ để kiềm chế Trung Quốc và Nga.

“Trung Quốc và Nga không sẵn sàng tham gia vào một cuộc đối đầu ý thức hệ với phương Tây. Cả hai nước đều có những sự gắn bó sâu sắc với phương Tây, trong các lĩnh vực như thương mại, năng lượng, biến đổi khí hậu”, ông Yang nói. “Châu Âu sẽ không hoàn toàn nghe theo Mỹ”.

“Do cùng quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc và Nga, Mỹ và châu Âu có cùng một số điểm chung, nhưng khi đề cập đến các lợi ích cụ thể, các nước thành viên EU khó có thể hoàn toàn nghe theo Mỹ, thậm chí EU ngày càng độc lập và có thể cạnh tranh với Mỹ”, ông Lü nói.

Ông Lü nói dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, Washington đã lôi kéo đồng minh nhằm kiềm chế Nga, Trung Quốc, nên Bắc Kinh biết cách đối phó hiệu quả.

“Khi quyết định xoay trục sang châu Á, Mỹ đã liên kết với các đồng mình trong khu vực như Philippines. Nhưng giờ đây, Manila còn có quan hệ thân thiện với Bắc Kinh hơn là Washington”, ông Lü diễn giải. “Trung Quốc biết cách đối phó với sự gây hấn từ các đồng minh của Mỹ”.