Châu Âu thất vọng sâu sắc vì cách ông Biden đưa Mỹ rút khỏi Afghanistan.
“Mối quan hệ với NATO và châu Âu là điều Mỹ đặc biệt quan tâm. Tôi có quan điểm rất khác so với người tiền nhiệm”, ông Biden nói tại trụ sở Liên minh châu Âu.
Hai tháng sau, vẫn là các đồng minh châu Âu đó, đặt câu hỏi rằng, chuyện gì đã xảy ra với ông Biden.
Tổng thống Mỹ quyết rút quân khỏi Afghanistan mà không hề có bất cứ chiến lược cụ thể nào với Taliban. Kết quả là phong trào Hồi giáo từng chứa chấp tổ chức khủng bố Al-Qaeda, thừa thắng tràn vào thủ đô Kabul.
Sự sụp đổ trong hỗn loạn của Kabul không chỉ khiến quan chức Mỹ bất ngờ, mà còn ảnh hưởng xấu đến lời cam kết khôi phục năng lực quan hệ đối ngoại của Mỹ.
“Chứng kiến những gì xảy ra ở Kabul, Trung Quốc và Nga có thể nói: Đây là một đối tác của Mỹ?”, David Petraeus, cựu tư lệnh quân đội Mỹ ở Afghanistan, từng là giám đốc CIA, nói. “Các nhà lãnh đạo châu Âu đang chất vấn Mỹ, vì ông Biden đơn phương hành động mà không tham vấn các đồng minh, khiến nhiều nước không kịp chuẩn bị phương án sơ tán công dân”.
48 giờ sau khi Kabul sụp đổ, ông Biden mới liên lạc với các đồng minh, bằng cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson và đến ngày 18.8 là cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Các tay súng Taliban trên đường phố thủ đô Kabul, Afghanistan.
Ngược lại, bà Merkel đã liên lạc với các nhà lãnh đạo Pháp, Italia, Anh, Paksitan, Qatar và Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn.
“Thiếu sự liên lạc là điều khiến các đồng minh của Mỹ thất vọng nhất với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong khi các đồng minh đã cùng Mỹ tham chiến ở Afghanistan suốt 20 năm qua”, Ian Bremmer, giám đốc tổ chức Eurasia Group, nói. “Mỹ không hề tham vấn các đồng minh về việc rút quân như thế nào và thời điểm nào thì phù hợp”.
“Đây là một diễn biến đặc biệt cay đắng. Rất cay đắng và tồi tệ", Thủ tướng Đức Angela Merkel nói, theo CNN.
Đằng sau hậu trường, các nguồn tin am hiểu vấn đề nói bà Merkel đã chỉ trích mạnh mẽ quyết định của ông Biden, cho rằng “có vấn đề chính trị bên trong” khiến ông Biden ra lệnh rút quân như vậy.
Ở Anh, Thủ tướng Boris Johnson đang cố gắng phối hợp với Mỹ trong chiến dịch sơ tán, trong khi các chính trị gia Anh chỉ trích mạnh mẽ hành động của Mỹ.
Một số chính trị gia Anh thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền tỏ ra không hài lòng khi ông Biden đổ lỗi cho quân đội Afghanistan vì “không muốn chiến đấu”.
Người Afghanistan tranh nhau lên máy bay rời khỏi Kabul.
“Chỉ trích những người mà tôi từng làm việc cùng họ là điều xấu hổ”, chính trị gia Tom Tugendhat, người từng tham gia sứ mệnh ở Afghanistan, nói. “Chúng ta lẽ ra không phải thua như thế này”.
Cuối cùng, Thủ tướng Anh gửi lời nhắn nhủ tới ông Biden, rằng “điều quan trọng là không để mất những bước tiến đã đạt được ở Afghanistan trong 20 năm qua, chống lại các mối nguy cơ khủng bố, trong khi vẫn tiếp tục hỗ trợ người dân Afghanistan”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người chủ trương thúc đẩy một châu Âu hạn chế phụ thuộc vào Mỹ. Hôm 16.8, ông Macron cảnh báo "một mình châu Âu không thể gánh chịu hậu quả với tình hình hiện tại" và rằng Pháp phải "tự bảo vệ mình trước làn sóng người di cư" từ Afghanistan.
“Mức độ thờ ơ với đồng minh của ông Biden khiến những người từng tham chiến cùng Mỹ trong thời gian dài cảm thấy bất bình”, Bremmer nói.
Không phải tất cả các đồng minh của Mỹ đều muốn chấm dứt sứ mệnh ở Afghanistan, nhưng khi Mỹ đơn phương ra quyết định, các đồng minh không còn lựa chọn nào khác.
“Các đồng minh châu Âu ở lại Afghanistan trong khi Mỹ quyết định chấm dứt sứ mệnh quân sự là điều không khả thi. Chúng tôi cùng nhau thực hiện sứ mệnh này, và không còn cách nào khác ngoài rời đi cùng nhau”, Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, nói.