28 lần thay đổi đăng ký kinh doanh
Theo bản kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) được Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu số 0102002811 vào ngày 20/6/2001 với vốn điều lệ là 600 triệu đồng.
Đến ngày 4/5/2019, Công ty Nhật Cường thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 28 với vốn điều lệ lên tới 38 tỷ đồng. 18 năm hoạt động, Bùi Quang Huy nắm giữ cương vị Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật.
Nhiều cửa hàng thuộc Công ty Nhật Cường bị khám xét khẩn cấp vào sáng 9/5/2019
Quá trình hoạt động, Công ty Nhật Cường đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó ngành kinh doanh chính là buôn bán thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông.
Trong quãng thời gian từ năm 2013 – 2019, Công ty Nhật Cường kinh doanh mua bán điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác dưới 4 hình thức:
Nhập mua hàng hóa trong nước có hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) (hàng công ty);
Mua điện thoại di động và các thiết bị điện tử mới, có hóa đơn GTGT hợp pháp của các nhà cung cấp trong nước (hàng có VAT);
Nhập mua hàng hóa trong nước mà không có chứng từ nguồn gốc (không có hóa đơn GTGT), mua điện thoại di động và các thiết bị điện tử, không có hóa đơn GTGT của các nhà cung cấp trong nước (hàng trôi nổi, không có VAT);
Nhập khẩu có chứng từ, nguồn gốc hợp pháp (hàng nhập khẩu), mua điện thoại di động và các thiết bị điện tử mới và cũ, không có hóa đơn GTGT của các nhà cung cấp nước ngoài.
Chiêu “phù phép” hàng lậu
Quá trình Công ty Nhật Cường hoạt động, Bùi Quang Huy đã chỉ đạo ghi chép, hạch toán, theo dõi chi tiết, cụ thể và đầy đủ mọi số liệu kinh doanh trên hệ thống phần mềm quản lý nội bộ ERP. Đây là phần mềm Huy chỉ đạo Võ Minh Hiếu và bộ phận phần mềm Công ty Nhật Cường xây dựng.
Sau đó, Huy sử dụng phần mềm ERP để che giấu hoạt động buôn lậu, hoạt động chi tiền từ hoạt động buôn lậu sang các hoạt động kinh doanh khác.
Bùi Quang Huy (ảnh nhỏ) bị Bộ Công an ra quyết định truy nã
Tài liệu điều tra xác định, từ năm 2014 đến 9/5/2019 (thời điểm Công ty Nhật Cường bị khám xét khẩn cấp), Bùi Quang Huy sử dụng hệ thống ERP để giao dịch mua 2.502 đơn hàng với 255.311 sản phẩm, chủ yếu là các sản phẩm của hãng Apple với tổng giá trị lên tới trên 2.927 tỉ đồng từ nhiều chủ hàng ở các nước Mỹ, UAE, Singapore, Hồng Kông…
Mua hàng xong, Huy và các đồng phạm không ký hợp đồng với các nhà cung cấp nói trên để nhập khẩu chính ngạch mà thuê bên thứ 3 vận chuyển trái phép, trốn thuế. Việc vận chuyển trái phép được chia thành 9 đường dây, tiếp nhận hàng của nhà cung cấp từ Hồng Kông – Trung Quốc. Sau đó, các đối tượng tổ chức vận chuyển trái phép về Việt Nam giao cho Huy và đồng phạm.
Sau đó, ông chủ Nhật Cường đã “phù phép”, đẩy số hàng lậu này lên kệ hàng, bày bán công khai qua hệ thống các cửa hàng tiêu thụ của Công ty Nhật Cường. Cụ thể, hơn 254 nghìn sản phẩm đã được bán qua các cửa hàng, thu được tổng số tiền trên 3.213 tỉ đồng, hưởng lợi hơn 221 tỉ đồng. Số tiền 221 tỉ đồng thu lời bất chính từ số hàng lậu này đều đã được trừ các chi phí bao gồm tiền mua hàng, tiền cước phí vận chuyển.
Gần 73 tỉ đồng là số tiền mà Bùi Quang Huy đã chi ra cho 9 đường dây vận chuyển trái phép để tránh phải nộp thuế trong 5 năm kinh doanh. Hành vi “Buôn lậu” của Huy và các đồng phạm đã gây thiệt hại lớn cho nhà nước.
Để đối phó với cơ quan chức năng, Huy cũng chỉ đạo cấp dưới sử dụng phần mềm MISA để theo dõi, hạch toán các hoạt động kinh doanh hợp pháp song song với phần mềm nội bộ ERP.
Mỗi khi cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, Huy sử dụng phần mềm MISA để khai báo, nộp thuế và “giấu nhẹm” các thông số, tài liệu trên phần mềm nội bộ ERP. Đây cũng là căn cứ để xác định hành vi “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” của Huy và các đồng phạm.