Tình trạng hát karaoke không kiểm soát gây khó chịu cho mọi người xung quanh khá phổ biến ở Việt Nam và châu Á. Ảnh minh họa: Getty
Hôm 20/3, tờ SCMP, có trụ sở ở Hong Kong (Trung Quốc), có bài viết về việc hát karaoke không kiểm soát, gây khó chịu cho mọi người xung quanh.
Nguyen Minh Giang, nữ công nhân một công ty giày dép ở một thành phố phía Nam, không phải là người mê hát nhưng cô thích nghe người khác thể hiện giọng hát của họ. Nhưng kể từ khi xuất hiện nhiều buổi tụ tập hát karaoke bất kể giờ giấc ở gần nhà, cô cảm thấy ám ảnh.
"Ban đêm người ta hát bên kia sông, mọi người ở chung cư của tôi chửi bới om sòm vì bức xúc", nữ công nhân 33 tuổi chia sẻ. Giang cho biết, tình trạng hát karaoke diễn ra thường xuyên ở khu cô sống tới mức cô có thể biết các bài hát và thể loại nhạc ưa thích của hàng xóm.
Việc hát hò diễn ra cả ngày lẫn đêm, thường từ khoảng 14h30 tới 18h các ngày trong tuần và thời gian này sẽ dài hơn vào cuối tuần, Giang cho hay.
Tình trạng này, kéo dài suốt 2 năm nay, đang thử thách sự kiên nhẫn của Giang. "Nhiều lần khi họ hát karaoke, tiếng nhạc quá lớn khiến tôi không thể nói chuyện với các thành viên trong gia đình hoặc nghỉ ngơi", Giang nói.
Theo SCMP, việc hát karaoke bất chấp không gian và thời gian dẫn đến những vụ việc đáng tiếc ở Việt Nam. Tháng 11/2020, một người đàn ông ở Hà Nội đã bị bắt vì ném bom xăng vào nhà hàng xóm vì những người này vẫn hát karaoke bất chấp lời phàn nàn của người đàn ông.
Tháng 10/2019, một người đàn ông ở Huế đã bị hàng xóm đâm trọng thương vì hát karaoke quá to. Trước đó 6 tháng, một vụ việc tương tự xảy ra ở tỉnh Bến Tre.
"Đôi khi, các bữa tiệc karaoke trở thành những màn 'tra tấn' âm thanh với những người xung quanh, kích động họ dẫn tới hành động quá khích khi 'giọt nước tràn ly'. Các học giả, người dân và thậm chí cả chính trị gia cũng kêu gọi hành động, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn Đông Nam Á cũng như châu Á", theo SCMP.
Karaoke đã lan rộng ra toàn thế giới, đặc biệt phổ biến ở châu Á. Ảnh: SCMP
Tháng trước, Kelvin Seah Kah Cheng, một giảng viên kinh tế cấp cao tại Đại học quốc gia Singapore, có bài viết trên trang Channel News Asia, kêu gọi mọi người giảm âm lượng khi hát karaoke ở nhà, nhất là trong thời điểm phong tỏa vì dịch Covid-19.
Trong một bài đăng trên Facebook vào tháng 9/2020, Jonvic Remulla, thống đốc tỉnh Cavite, Philippines, khuyến khích người dân báo với chính quyền những trường hợp hát karaoke gây mất trật tự để xử lý.
Tại Việt Nam, chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết trong cuộc họp vào tháng 2 rằng, đã nhận được nhiều khiếu nại của người dân thành phố về tình trạng "ô nhiễm tiếng ồn" do hát karaoke, nhất là sau 22h, và yêu cầu lực lượng chức năng vào cuộc.
Tuần trước, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cho biết có kế hoạch chấm dứt tình trạng "ô nhiễm tiếng ồn" do hát karaoke trong năm nay, bắt đầu bằng chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân kéo dài đến tháng 5 và sau đó là xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm.
Karaoke, được cho là xuất hiện đầu tiên tại Nhật Bản năm 1970, giờ đã lan rộng ra toàn thế giới, nhưng đặc biệt phổ biến ở châu Á.
Tại Nhật Bản, phụ nữ lớn tuổi thường xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội thông qua việc theo đuổi chung sở thích hát karaoke, theo một nghiên cứu năm 2019 của Đại học quốc gia Singapore. Tại Mỹ và châu Âu, karaoke trở nên phổ biến trong các quán bar và quán rượu.