Dân Việt

Chuyên gia TQ thừa nhận đập Tam Hiệp làm thay đổi sông Dương Tử

Các chuyên gia Trung Quốc mà Thời báo Hoàn cầu phỏng vấn không né tránh khi nhắc đến các tác động sinh thái của đập Tam Hiệp nhưng họ cho rằng các tác động này không hoàn toàn tiêu cực với các loài sống ở sông Dương Tử. 

img

Xác một con cá tầm Trung Quốc khổng lồ được phát hiện trên sông Dương Tử năm 2007. Ảnh: Reuters

Theo Thời báo Hoàn cầu, đập Tam Hiệp là dự án bảo tồn nước lớn nhất của Trung Quốc. Đập thủy điện lớn nhất thế giới chặn sông Dương Tử năm 1997 và tích nước ở mức cho phép là 175 mét vào năm 2010, tạo ra một hồ chứa khổng lồ trải dài 600 km ở khúc sông Dương Tử thuộc khu vực Trùng Khánh - Nghi Xương.

"Hồ chứa hình bậc thang đã thay đổi điều kiện thủy văn và chặn đường di cư của một số loài cá. Điều này ảnh hưởng tới nguồn thủy sinh trong hồ chứa ở nhiều mức độ khác nhau", chuyên gia họ Zhao tới từ Viện thủy văn, thuộc Bộ Thủy lợi và Viện Khoa học Trung Quốc, thừa nhận. 

Một số chuyên gia ước tính rằng, năm 2005, số lượng cá tầm Trung Quốc di cư từ biển vào sông để đẻ trứng đã giảm từ 2.000 (năm 1985) xuống còn 500. 

Nhóm nghiên cứu của ông Zhao phát hiện số lượng loài cá trong khu vực hồ chứa đập Tam Hiệp giảm xuống trong giai đoạn 1980 - 2015. 

"Hiện tượng này có liên quan mật thiết tới việc đánh bắt quá mức ở sông Dương Tử, nhưng chắc chắn cũng có liên quan tới việc ngăn sông xây đập Tam Hiệp", ông Zhao nói thêm.

Để bảo vệ đa dạng sinh học của sông Dương Tử, tập đoàn Tam Hiệp (CTG) - đơn vị quản lý đập Tam Hiệp - đã thành lập 2 viện chuyên nghiên cứu và giám sát động vật cũng như thảm thực vật ở con sông dài nhất Trung Quốc, đặc biệt chú ý tới các loài cần được bảo vệ. 

Du Hejun, người đứng đầu Bộ phận công nghệ bảo tồn các loài tại Trung tâm bảo tồn cá hiếm sông Dương Tử - CTG, một trong 2 viện do CTG thành lập, cho biết, một số loài cá ở sông Dương Tử có thể đã thay đổi thói quen từ khi hồ chứa đập Tam Hiệp được xây dựng.

"Các hồ chứa đã cung cấp môi trường sống đa dạng hơn cho các loài cá. Một số loài đã dần phục hồi quần thể sau khi thích nghi với môi trường mới. Điều này cùng các biện pháp như cấm đánh bắt cá dài hạn, thả cá và sinh sản nhân tạo cũng giúp tăng thêm sự đa dạng cho các loài cá trong hồ chứa", Hoàn cầu dẫn lời Hejun cho hay. 

Ông Hejun lưu ý rằng, trong những thập kỷ qua, CTG đã đẩy mạnh nghiên cứu chuyên đề về tác động sinh thái của dự án đập Tam Hiệp hay làm chủ công nghệ cốt lõi bảo vệ các loài như sinh sản nhân tạo cá tầm sông Dương Tử và thiết lập hệ thống bảo vệ cá tầm theo chu kỳ đầy đủ, bao gồm cả giám sát sinh sản và di cư sau khi thả.

Để tạo ra một môi trường thủy sinh phù hợp cho việc sinh sản của cá, CTG đã thực hiện dự án "điều hòa sinh học" đặc biệt trong nhiều năm, tạo ra các "đỉnh lũ nhân tạo" để đáp ứng các điều kiện gia tăng mực nước cần thiết phục vụ quá trình sinh sản của các loài cá ở sông Dương Tử. 

"Việc xây dựng công nghiệp và bảo vệ sinh thái của dự án Tam Hiệp được thực hiện song song", Huang Guiyun, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Thực vật Quý hiếm sông Dương Tử thuộc CTG, cho hay.

Huang lưu ý rằng, để đối mặt với khả năng một số loài thực vật hoang dã và cá bị tuyệt chủng sau khi đập Tam Hiệp bị xâm thực, kể từ năm 1992, chính phủ Trung Quốc bắt đầu tập hợp các nhà nghiên cứu để điều tra sự phân bố của những loài thực vật và cá quý hiếm, đồng thời thực hiện các công việc bảo vệ có mục tiêu.

"Đến cuối năm 2018, toàn bộ 560 loài thực vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong báo cáo đánh giá môi trường trước đó đã được bảo vệ hiệu quả và không có loài nào bị tuyệt chủng. Tính đến tháng 12/2020, viện đã bảo vệ và nhân giống tổng cộng 1.181 loài và 180.000 loài thực vật quý hiếm ở sông Dương Tử", bà Huang nói thêm.