Dân Việt

Đối thủ chính trị tạo ra thách thức lớn chưa từng có với ông Putin

Đăng Nguyễn - Al Jazeera 24/01/2021 20:25 GMT+7
Hàng ngàn người đã đổ ra đường trên khắp nước Nga vào ngày 23.1 để tham gia biểu tình phản đối việc chính quyền bắt giữ thủ lĩnh phe đối lập Alexey Navalny.

img

Lãnh đạo phe đối lập Alexey Navalny đang tạo ra thách thức lớn đối với ông Putin.

Sự kiện đánh dấu giai đoạn biểu tình có thể kéo dài ở Nga cho đến tháng 9, thời điểm bầu cử Quốc hội diễn ra. Vấn đề Tổng thống Nga Vladimir Putin nắm quyền trong hơn 2 thập kỷ qua cũng sẽ là điều mà phe đối lập khai thác mạnh, theo tờ Al Jazeera.

Cuộc biểu tình diễn ra sau khi lãnh đạo phe đối lập Alexey Navalny bị bắt giữ. Ông Navalny đã ở Đức kể từ tháng 8, thời điểm ông rời Nga để chữa bệnh, mà ông cho rằng bị điệp viên Nga đầu độc.

Những diễn biến thời gian gần đây cho thấy ông Navalny đang trở thành đối thủ chính trị tạo ra thách thức lớn nhất với ông Putin ở thời điểm hiện nay.

Khởi đầu là một blogger tham gia phong trào phản đối tham nhũng từ cách đây một thập kỷ, ông Navalny đã thu hút được một mạng lưới người ủng hộ rộng khắp ở Nga, chủ yếu là giới trẻ trong độ tuổi khoảng 20.

Video mới nhất ông Navalny đăng trên YouTube là nghi vấn ông Putin sở hữu dinh thự xa hoa ở Biển Đen. Video thu hút 25 triệu lượt xem chỉ sau 24 giờ và đến ngày 23.1 đã thu hút tới 70 triệu lượt xem. Người phát ngôn của Tổng thống Nga đã lên tiếng bác bỏ các thông tin trong video này.

Ở một đất nước mà hầu hết mọi người tỏ ra thờ ơ với chính trị, ông Navalny đã thu hút sự chú ý của hàng triệu người bằng cách thực hiện các cuộc điều tra về hành vi tham nhũng của các quan chức.

Việc bắt giữ thủ lĩnh phe đối lập ngay tại sân bay cho thấy giới chức Nga không hề xem nhẹ ảnh hưởng của ông Navalny.

img

Người dân Nga đổ ra đường biểu tình phản đối việc bắt giữ ông Navalny.

Ngày nay, xã hội Nga dường như được chia làm ba thành phần. Hai thành phần thuộc nhóm số ít, ủng hộ ông Putin và ông Navalny. Đa số còn lại ủng hộ ông Putin nhưng theo đám đông và rất để ý đến xu hướng chung của đất nước.

Điều đó có nghĩa là họ có thể thay đổi quan điểm chính trị nếu phe đối lập phát triển đến một mức độ không thể xem thường. Cuộc biểu tình của phe đối lập ở Belarus, quốc gia láng giềng Nga là một ví dụ điển hình.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko vẫn nắm quyền lực, nhưng không còn duy trì được ảnh hưởng tuyệt đối. Theo Al Jazeera, đây là điều mà ông Navalny đang hướng đến, khi thúc đẩy phong trào đối lập ở Nga.

Dĩ nhiên, ông Navalny biết thành công sẽ không thể đến một cách dễ dàng. Không ít người ủng hộ ông Putin hiểu rằng mọi thứ sẽ càng tồi tệ hơn nếu một ngày ông Putin không còn nắm quyền. Một ví dụ điển hình là nỗ lực lật đổ Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych vào năm 2014 chỉ khiến Ukraine càng chìm trong bất ổn.

Sau 2 thập kỷ lãnh đạo nước Nga, ông Putin đã để lại dấu ấn không nhỏ, đảm bảo mức sống tiêu chuẩn cho người dân, thể hiện vị thế của Nga trên trường quốc tế dù phải đối mặt với lệnh cấm vận khắc nghiệt của Mỹ và phương Tây.

Người Nga có lý do để lo ngại rằng một sự thay đổi chính trị lớn do phương Tây tác động có thể dẫn đến nguy cơ Liên bang Nga tan rã, kéo theo xung đột quân sự và khủng bố.

Đây sẽ là thách thức đối với lãnh đạo phe đối lập Alexey Navalny, người đang được phương Tây hậu thuẫn một cách mạnh mẽ.