Dân Việt

Những phát hiện khảo cổ vĩ đại nhất lịch sử Trung Quốc

Đăng Nguyễn - SCMP 24/03/2021 03:55 GMT+7
Các nhà khảo cổ Trung Quốc gần đây công bố một loạt những phát hiện mới tại di chỉ Tam Tinh Đôi ở tỉnh Tứ Xuyên, được cho là hé lộ một nền văn minh tiên tiến chưa từng được biết đến trong lịch sử.

img

Một trong những phát hiện mới nhất ở di chỉ Tam Tinh Đôi, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Các nhà khảo cổ quay trở lại khai quật di chỉ Tam Tinh Đôi từ năm 2019 và đến nay tìm thấy hơn 500 cổ vật được làm từ vàng, đồng, ngọc bích, ngà voi, có niên đại cách đây hơn 3.000 năm. Đáng chú ý nhất là chiếc mặt nạ vàng được cho là do một thầy tế từng đeo để làm lễ.

Dưới đây là những phát hiện khảo cổ vĩ đại nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc, theo SCMP.

Đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng

img

Tần Thủy Hoàng được chôn cùng đội quân đất nung lên tới 8.000 bức tượng.

Đội quân đất nung có kích thước giống hệt người thật, được đặt trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng, lần đầu được phát hiện năm 1970 ở Tây An.

Khi hoàng đế Trung Hoa Tần Thủy Hoàng qua đời năm 210 trước Công nguyên, ông được chôn cùng 8.000 chiến binh và ngựa được làm từ đất nung. Đội quân đất nung được cho là sẽ bảo vệ hoàng đế trong hành trình sang thế giới bên kia.

Theo các tài liệu lịch sử, 700.000 công nhân đã làm việc trong 40 năm để xây xong lăng mộ Tần Thủy Hoàng, trải dài trên phạm vi 50km.

Chữ viết cổ xưa nhất ở Trung Hoa

img

Chữ viết cổ xưa từ triều đại nhà Thương, cách đây 3.000 năm.

Các nhà khảo cổ từng có phát hiện quan trọng ở Yin Xu, nơi cách Bắc Kinh khoảng 500km về phía nam là kinh đô của triều đại nhà Thương (1.600 TCN – 1.050 TCN), ngày nay ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Đây là triều đại đầu tiên ở Trung Hoa mà các nhà khảo cổ tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của đồ đồng. Khu khảo cổ rộng 30km2 lưu giữ nhiều hiện vật quan trọng, bao gồm một dạng chữ viết cổ khắc trên mảnh xương động vật. Đây được coi là dạng chữ viết đầu tiên ở Trung Hoa.

Một bảo tàng trưng bày các hiện vật từ thời nhà Thương dự kiến sẽ mở cửa vào năm tới, theo Tân Hoa Xã.

Tô mì lâu đời nhất

img

Sợi mỳ cổ được các nhà khoa học tìm thấy ở tỉnh Thanh Hải, phía tây bắc Trung Quốc.

Năm 2005, các nhà khảo cổ Trung Quốc tìm thấy một tô mì 4.000 năm tuổi, bị bao phủ bởi phù sa, sau trận động đất lớn ở tỉnh Thanh Hải, phía tây bắc Trung Quốc.

Khu khảo cổ Lajia ở Thanh Hải hé lộ phiên bản lâu đời nhất của món ăn dạng này trên thế giới.

Rượu cổ 2.000 năm tuổi

Năm 2018, các nhà khảo cổ tìm thấy 3,5 lít chất lỏng màu vàng nhạt bên trong một chiếc hũ đồng, có mùi giống như rượu.

Không rõ thức uống này được làm từ nguyên liệu gì, nhưng nó được tìm thấy tại một ngôi mộ ở Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Lạc Dương từng là kinh đô của 13 triều đại Trung Hoa.

Các nhà khảo cổ cũng phát hiện các đồ tạo tác bằng đồng, bao gồm một ngọn đèn hình con ngỗng và nhiều bình đất sét sơn màu trong khu mộ.

Thỏa thuận ly hôn từ thời nhà Đường

Một cặp vợ chồng từ thời nhà Đường (618-907) ở Trung Hoa quyết định ly hôn và thỏa thuận ly hôn được tìm thấy trong hang động Đôn Hoàng ở phía tây bắc tỉnh Cam Túc. 1.000 năm sau, các nhà khảo cổ mới tìm được tài liệu cổ ghi chép về việc này.

Thỏa thuận có nội dung: “Vì hai vợ chồng suy nghĩ khác nhau, họ khó có thể cùng chung sống một nhà. Trong hoàn cảnh này, tốt hơn hết là để họ về ở với người thân và quay trở lại cuộc sống bình thường”.

Người đàn ông nói: “Tôi mong rằng sau khi ly hôn, vợ tôi sẽ lại có mái tóc đẹp và đôi lông mày hút hồn, để cô ấy có thể kết hôn với người đàn ông khác có địa vị cao hơn, để tất cả chúng ta đều cảm thấy bình thản và tận hưởng hạnh phúc”.

Mỹ phẩm cổ xưa nhất dành cho nam giới

img

Kem dưỡng da cổ xưa dành cho nam giới.

Kem dưỡng trắng da mặt 2.700 năm tuổi dành cho nam giới được cất giữ trong một chiếc bình bằng đồng được trang trí công phu, còn nguyên vẹn sau hàng ngàn năm.

Các nhà khảo cổ tìm thấy loại kem này bên trong lăng mộ một quý tộc thời Xuân thu (771 TCN - 476 TCN). Đây là giai đoạn làm tiền đề mở ra thời kỳ Chiến Quốc nổi tiếng ở Trung Hoa.

Các nhà khoa học kết luận rằng 6 gram hợp chất được tìm thấy ở khu khảo cổ Liujiawa, tỉnh Thiểm Tây, được làm từ chất béo của động vật nhai lại, trộn với monohydrocalcite để tạo thành kem dưỡng trắng da.