Dân Việt

Chưa xong căng thẳng biên giới, Ấn Độ mở "mặt trận" mới, quyết vượt mặt TQ

Vương Nam – SCMP 26/01/2021 20:40 GMT+7
Không chỉ ở biên giới, Ấn Độ quyết chiếm lợi thế trước Trung Quốc ở một “mặt trận” hoàn toàn khác biệt, theo SCMP.

img

Ấn Độ cạnh tranh với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, không chỉ ở biên giới (ảnh: India Today)

Một năm sau khi dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, Ấn Độ quyết tâm tận dụng lợi thế ngành y tế của mình để cạnh tranh với Bắc Kinh trong việc sản xuất, phân phối vắc xin Covid-19.

Ấn Độ mới đây tuyên bố sẽ gửi miễn phí cho các nước láng giềng từ 10 – 20 triệu liều vắc xin Covid-19.

Viện Huyết thanh Ấn Độ – nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới – cho biết sẽ gửi hàng triệu liều vắc xin miễn phí đến Maldives, Nepal, Bhutan, Bangladesh, Myanmar, Mauritius, Seychelles và cả Campuchia.

Trong khi đó, Trung Quốc đã cung cấp vắc xin Covid-19 cho Myanmar, Philippines và Bangladesh. Nepal đang cân nhắc xem có nên nhận vắc xin từ Trung Quốc hay không.

Việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng ở Nam Á bằng “ngoại giao vắc xin” khiến Delhi không khỏi lo ngại.

Các phương tiện truyền thông Ấn Độ đòi hỏi chính phủ có tinh thần dân tộc cao hơn, cạnh tranh với Trung Quốc về mọi mặt nếu có thể.

Tuần trước, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng, các công ty dược phẩm Ấn Độ không thể thực hiện tham vọng “ngoại giao vắc xin” của nước này. Đáp lại, The Times of India – báo Ấn Độ – đăng bài viết cảnh báo Bắc Kinh đừng coi thường quyết tâm của Delhi.

“Nhiều chính trị gia ở Ấn Độ cho rằng vắc xin Covid-19 là cơ hội lớn để kiềm chế tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Nam Á”, Sarvajit Chakrabarty – cựu quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ – nhận xét.

Ấn Độ là nhà sản xuất 60% lượng vắc xin cho thế giới. Nước này cũng đang khởi động chương trình tiêm vắc xin Covid-19 lớn nhất thế giới với giai đoạn 1 là tiêm ngừa cho hơn 30 triệu dân.

“92 nước khắp thế giới đang muốn ký hợp đồng mua vắc xin Covid-19 của chúng tôi”, Harsh Vardhan Shringla – Ngoại trưởng Ấn Độ – tuyên bố.

“Vắc xin Covid-19 sẽ giúp Ấn Độ khôi phục và phát triển quan hệ với bất kỳ quốc gia nào mà Delhi muốn”, Sukhoranjan Dasgupta – chuyên gia phân tích chính trị tại Bangladesh – nói.

Nepal – quốc gia bị mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng Trung - Ấn – mới đây đã cảm ơn vì được Ấn Độ tặng vắc xin Covid-19.

“Ấn Độ đã thể hiện sự thiện chí với từng người dân Nepal - những người đang phải chịu đừng nhiều nhất trong dịch bệnh”, Bộ trưởng Y tế Nepal Hridayesh Tripathi nói.

Trong khi đó, vắc xin Covid-19 của Trung Quốc vẫn đang chờ được Nepal phê duyệt.

img

Ấn Độ tuyên bố gửi hàng triệu liều vắc xin Covid-19 miễn phí cho các nước cần giúp đỡ (ảnh: SCMP)

Campuchia vừa mở lời đề nghị Ấn Độ hỗ trợ 1 triệu liều vắc xin Covid-19. Trước đó, Campuchia cũng nhận từ Trung Quốc số lượng vắc xin tương tự.

Trong một diễn biến khác, ngày 25.1, Bộ Điện tử và Công nghệ Ấn Độ tuyên bố cấm vĩnh viễn 59 ứng dụng Trung Quốc, trong đó có cả TikTok – nền tảng mạng xã hội nổi tiếng bậc nhất quốc gia tỷ dân.

Lệnh cấm đến ngay sau khi nhiều hãng truyền thông Ấn Độ đưa tin về “vụ đụng độ” mới nhất giữa binh sĩ Trung - Ấn ở Sikkim, gần Tây Tạng, khiến hàng chục người bị thương.

Hôm 26.1, quân đội Ấn Độ cho biết vụ việc trên thực tế chỉ là “xích mích nhỏ” và không bình luận về thương vong.