Dân Việt

Úc: Chèo thuyền kayak, kinh hãi phát hiện sinh vật cực độc bám vào mái chèo

Nguyễn Thái - Daily Mail 27/04/2021 20:40 GMT+7
Bức ảnh về một trong những sinh vật có nọc độc đáng sợ nhất trong các loài cá được lan truyền trên mạng sau khi 2 người phát hiện ra nó lúc đang chèo thuyền kayak. 

img

Sinh vật bám trên mái chèo được xác định là cá mặt quỷ, một loài cực độc. Ảnh: Jenifer Taylor

Theo Daily Mail, 2 tay chèo đang chèo thuyền kayak ở vùng nước gần thành phố Townsville, ở phía bắc bang Queensland hôm 25/4 thì phát hiện một mái chèo va phải thứ gì đó. 

Khi nhấc mái chèo lên, các tay chèo kinh hãi khi phát hiện con cá mặt quỷ, một trong những loài cá có nọc độc nhất, đang bám lấy mái chèo. 

"Thật không may, tôi không nhìn thấy cảnh đó nhưng chồng tôi và một người bạn của anh ấy là những người đã phát hiện ra con cá mặt quỷ khi chèo thuyền kayak hôm 25/4 gần Townsville", một phụ nữ viết đăng kèm bức ảnh được chia sẻ trên trang Facebook Australian Native Animals.

Bức ảnh chụp con cá mặt quỷ nhận được hàng trăm lượt bình luận và tương tác.

"Tôi có một người bạn giẫm phải con cá mặt quỷ xấu xí này 20 năm trước và người đó phải nằm viện 3 tháng", một người bình luận.

Nhiều cư dân mạng còn không nhận ra con cá mặt quỷ.

"Tôi tưởng thứ gì đó đã làm hỏng mái chèo của họ", một phụ nữ viết. 

Theo Bảo tàng Queensland (Úc), cá mặt quỷ là loài sở hữu nọc độc nguy hiểm nhất trong các loài cá. Chúng có 13 gai nhọn ở vây lưng, giúp tiêm chất độc.

Loài cá với hình hài kỳ dị này thường được tìm thấy nhiều nhất ở các vùng nước nông phía bắc Úc. Phần lớn các vết thương do loài này gây ra khi con người vô tình giẫm phải chúng. Nếu không được điều trị kịp thời, nạn nhân có thể tử vong. 

"Các gai vây lưng của loài cá mặt quỷ có nọc độc và có thể gây ra vết thương cực kỳ đau đớn. Cơn đau sẽ đến ngay lập tức, dữ dội và kéo dài trong nhiều ngày. Ngoài ra, một số biểu hiện khác có thể gặp như liệt cơ, khó thở, sốc, đôi khi là suy tim và tử vong", thông tin được đăng trên trang web của bảo tàng Queensland. 

Những người đi biển được khuyến cáo đeo bọc chân khi đi trên các bãi đá ngầm hoặc khi đi ở các vùng nước tiếp giáp với các bãi đá hoặc cỏ dại. 

Nếu bị cá mặt quỷ chích, nạn nhân cần chườm nước nóng vào chỗ tiếp xúc và tới ngay cơ sở y tế gần nhất.