Dân Việt

Tổ chức khủng bố ISIS-K khiến ông Biden thề “săn lùng” nguy hiểm ra sao?

Đăng Nguyễn - NPR 27/08/2021 10:58 GMT+7
ISIS-K, một nhánh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), gần đây đã gây ra hai vụ đánh bom tự sát ở sân bay Kabul khiến hàng trăm người thương vong, bao gồm cả lính Mỹ.

img

ISIS-K là một nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng tỉnh Khorasan (ISIS-K), nhánh của IS ở Afghanistan, đã nhận trách nhiệm về vụ hai vụ đánh bom sát, tuyên bố nhắm đến lính Mỹ và đồng minh.

ISIS-K coi Mỹ và Taliban là kẻ thù. Trước khi vụ tấn công xảy ra, Taliban và Mỹ đã cảnh báo về nguy cơ khủng bố tấn công sân bay Kabul. Đây là lý do Tổng thống Joe Biden không gia hạn thêm thời gian cho chiến dịch sơ tán ở sân bay Kabul.

Amaq, kênh thông tin chính thức của IS, thông báo một trong hai kẻ trực tiếp đánh bom là Abdul Rahman al-Logari. Dựa trên tên gọi, giới quan sát nhận định đây có thể là người gốc Afghanistan.

Thông báo của IS kèm hình ảnh một người được mô tả là kẻ đánh bom. Hình ảnh cho thấy người đàn ông mang đai bom liều chết, đứng trước cờ đen IS và che gần kín mặt.

Hai vụ đánh bom đã khiến ít nhất 13 lính Mỹ thiệt mạng và 18 quân nhân khác bị thương. Số dân thường Afghanistan thiệt mạng là 60 và 140 người bị thương, theo CNN.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 26.8 tuyên bố sẽ săn lùng những kẻ chịu trách nhiệm về hai vụ đánh bom ở sân bay Kabul. Ông Biden đã chỉ đạo Lầu Năm Góc lên kế hoạch không kích các mục tiêu của khủng bố ISIS-K.

ISIS-K liên hệ ra sao với IS?

img

Người bị thương trong vụ đánh bom ở sân bay Kabul được đưa tới bệnh viện.

Theo NPR, Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (ISIS-K) được thành lập vào cuối năm 2014, là một nhánh của IS hoạt động ở Afghanistan và Paksitan. Khorasan là từ chỉ một khu vực cổ, nay thuộc lãnh thổ Afghanistan.

Thành phần chủ chốt của ISIS-K là các thủ lĩnh tách ra từ Taliban ở Afghanistan và Pakistan.

“Ở thời đỉnh cao quyền lực, chiếm một khu vực rộng lớn ở Syria và Iraq, IS đã cử đại diện tới thuyết phục các thủ lĩnh và thành viên Taliban gia nhập Nhà nước Hồi giáo”, Seth Jones, chuyên gia về Afghanistan tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói.

Trong một video năm 2015, thủ lĩnh ISIS-K khi đó là Hafiz Saeed Khan đã tuyên bố trung thành với thủ lĩnh tối cao IS, Abu Bakr al-Baghdadi. Saeed Khan tự nhận mình kiểm soát lãnh thổ của IS ở Afghanistan.

Các thủ lĩnh ISIS-K áp đặt luật Hồi giáo hà khắc ở Afghanistan, như xử tử hình ở nơi công cộng, đóng cửa trường học, sát hại các thủ lĩnh bộ lạc.

Năm 2018, ISIS-K là một trong 4 tổ chức khủng bố tàn bạo nhất thế giới, theo Chỉ số Khủng bố Toàn cầu của Viện Kinh tế và Hòa bình, tờ The Conversation cho biết.

Mục tiêu của ISIS-K là gây hỗn loạn trong nội bộ các nhóm Hồi giáo ở khu vực, trong khi làm suy yếu khả năng đảm bảo an ninh cho người dân ở các chính phủ cầm quyền. Trong 3 năm đầu xuất hiện ở Afghanistan, ISIS-K tổ chức tấn công khủng bố nhằm vào các nhóm thiểu số, các khu vực công cộng, các mục tiêu chính phủ Afghanistan và Pakistan.

Saeed Khan bị tiêu diệt trong một đợt không kích của Mỹ năm 2016, còn Baghdadi chết vào năm 2019, sau khi kích nổ bom tự sát đeo trên người vì bị binh sĩ Mỹ truy lùng,

Kể từ đó, ISIS-K phân tán hoạt động ở Afghanistan, không còn kiểm soát các vùng lãnh thổ cụ thể.

ISIS-K coi Taliban là kẻ thù

img

Một trong hai kẻ đánh bom tự sát ở sân bay Kabul ngày 26.8.

ISIS-K và Taliban là kẻ thù không đội trời chung, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói. Hai nhóm Hồi giáo cạnh tranh quyền kiểm soát Afghanistan, đến nay Taliban nổi lên là thế lực mạnh nhất.

“Giống như việc cạnh tranh với Al-Qaeda, IS coi Taliban là kẻ thù, từ đó lập ra nhánh ISIS-K ở Afghanistan”, chuyên gia Jones nói.

Mặc dù có cùng mục tiêu xây dựng vương quốc Hồi giáo ở Afghanistan, cách mà Taliban và IS thực hiện là khác nhau.

“Taliban xây dựng nhà nước Hồi giáo dựa trên cơ sở dân tộc và sắc tộc ở Afghanistan, trong khi IS muốn xây dựng cái gọi là Nhà nước Hồi giáo trên phạm vi toàn cầu”, chuyên gia Jones giải thích.

Một số thủ lĩnh và tay súng Taliban có tư tưởng cực đoan đã quay sang tuyên bố trung thành với IS.

Trong cuộc đàm phán hòa bình với Mỹ năm 2020, Taliban đã cam kết không để Afghanistan trở thành nơi trú chân cho khủng bố, bao gồm IS.

Mối đe dọa của ISIS-K lớn đến mức nào ở Afghanistan?

img

Các tay súng ISIS-K hiện hoạt động rải rác ở Afghanistan.

Năm 2017, Mỹ tuyên bố đã tiêu diệt 75% tay súng trung thành với IS, bao gồm các thủ lĩnh cấp cao. Ở thời điểm đó, IS chỉ còn kiểm soát 2% lãnh thổ so với giai đoạn đỉnh cao quyền lực năm 2015.

Tuy nhiên, mạng lưới của IS vẫn hoạt động cho đến nay, đứng sau khoảng 100 vụ tấn công khủng bố ở Afghanistan và Pakistan.

Các chuyên gia ước tính ISIS-K hiện có khoảng 2.000 tay súng hoạt động ở phía đông và bắc Afghanistan. ISIS-K đã phải phân tán lực lượng, trà trộn vào các địa phương sau khi bị Mỹ đánh bật vào năm 2017.

Tuy nhiên, sau vụ tấn công khủng bố ngày 26.8, tướng Kenneth McKenzie, tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ, nói mối đe dọa của ISIS-K ở Afghanistan vẫn còn rất rõ ràng.

Tháng 5.2021, ISIS-K nhận trách nhiệm đánh bom một trường học cho trẻ em gái ở thủ đô Kabul.

Theo chuyên gia Jones, vụ đánh bom cho thấy Taliban để lộ sơ hở trong hoạt động phản gián và chống khủng bố. “Taliban đã thất bại trong việc xác định các mối đe dọa”, Jones cho biết.

Ngày nay, ISIS-K chủ trương thu hút thêm các chiến binh thánh chiến bằng các vụ tấn công khủng bố gây chấn động với quy mô lớn, số thương vong cao, giống như hai vụ đánh bom ở sân bay Kabul ngày 26.8, theo tờ The Conversation.