Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 trong ngày ở mức kỷ lục. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, hôm 27/4 được xem là ngày "chết chóc" nhất ở Ấn Độ tính tới thời điểm hiện tại khi quốc gia Nam Á có hơn 3.200 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong vượt mốc 20 vạn ca (201.187 người chết) tính đến 28/4.
Cũng trong ngày 27/4, Ấn Độ có hơn 360.000 ca nhiễm mới - mức kỷ lục nhất thế giới về số ca nhiễm trong ngày - nâng tổng số ca nhiễm của quốc gia Nam Á lên gần 18 triệu ca - đứng thứ 2 thế giới, sau Mỹ.
Làn sóng lây lan Covid-19 thứ 2 của Ấn Độ vô cùng khốc liệt khi một tuần qua, ngày nào quốc gia Nam Á cũng có thêm ít nhất 300.000 ca nhiễm, làm "sụp đổ" hệ thống y tế và các khu hỏa táng trong nước.
Các chuyên gia nhận định, số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 thực tế ở Ấn Độ có thể còn cao hơn.
Các xe cứu thương xếp hàng dài nhiều giờ ở thủ đô New Delhi, chờ để đưa thi thể nạn nhân tử vong vì Covid-19 tới các giàn hỏa táng được dựng tạm trong công viên, bãi đậu xe.
Những người nhiễm Covid-19, phần nhiều bị khó thở, đã đổ xô tới một ngôi đền ở ngoại ô thành phố để cầu xin có được dưỡng khí - thứ đang rất khan hiếm.
Các bệnh viện trong và quanh New Delhi cho biết vẫn đang thiếu rất nhiều dưỡng khí, dù đã có nhiều cam kết tăng cường cung cấp.
"Chúng tôi dành cả ngày để giảm nồng độ oxy trong các máy thở và các thiết bị khác khi bể chứa ở mức sụt giảm đáng báo động", bác sĩ Devlina Chakravarty, làm việc tại bệnh viện Artemis, ngoại ô thành phố Gurugram, phía bắc Ấn Độ, chia sẻ với tờ Times of India. "Chúng tôi đã gọi hàng trăm cuộc điện thoại và gửi tin nhắn mỗi ngày để được nhận số dưỡng khí tiêu chuẩn mỗi ngày".
Chia sẻ với kênh truyền hình NDTV, Manish Prakash - giám đốc điều hành bệnh viện Mayom, cũng ở thành phố Gurugram, cho biết, bệnh viện đã ngừng nhận bệnh nhân, trừ khi người này tự mang theo bình dưỡng khí.
Arvind Kejriwal, thủ hiến Delhi, cho hay, ngày càng nhiều người nhiễm bệnh khiến áp lực càng tăng thêm.
"Làn sóng lây lan lần này rất nguy hiểm. Nó rất dễ lây lan và những người mắc bệnh không thể phục hồi nhanh chóng. Trong tình trạng này, bệnh nhân rất cần được đưa vào các khu chăm sóc tích cực", ông Kejriwal nói.