Dân Việt

Điều gì xảy ra nếu con người "ngủ đông" trong hành trình đến sao Hỏa?

Đăng Nguyễn - RT 30/03/2021 00:25 GMT+7
Viễn cảnh con người chui vào kén ngủ đông, khi tỉnh dậy đã thấy mình tới sao Hỏa là cách đơn giản nhất để du hành vũ trụ trong nhiều tháng. Nhưng nghiên cứu mới được công bố của các nhà khoa học, cho thấy ngủ đông trong du hành không gian không phải là ý hay.

img

Ngủ đông trong môi trường không trọng lực rất có hại cho tim.

Trái tim con người co lại khi tồn tại trong môi trường không trọng lực trong một thời gian dài. Tập thể dục với cường độ thấp sẽ là không đủ để đảo ngược các tổn thương, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Texas, Mỹ, nói, theo RT.

Nhóm nghiên cứu phát hiện trọng lực đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì kích thước của trái tim, tiếp xúc lâu dài với tình trạng không trọng lực sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng hoạt động của tim.

Tiến sĩ Benjamin D. Levine, tác giả nghiên cứu, giáo sư nội khoa tại Trung tâm Y tế UT Southwestern ở Mỹ, nói: “Trái tim rất dẻo và đặc biệt phản ứng với trọng lực hoặc môi trường không có trọng lực”.

Cả tác động của trọng lực cũng như phản ứng thích nghi khi tập luyện đều đóng một vai trò quan trọng. “Chúng tôi phát hiện rằng, một người tập thể dục cường độ thấp trong thời gian dài cũng không đủ để giúp cơ tim không bị co lại”, ông Levine nói.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu thể chất của phi hành gia NASA Scott Kelly, khi phi hành gia này ở trên trạm vũ trụ quốc tế (ISS) từ năm 2015 đến 2016.

Nhóm nghiên cứu so sánh dữ liệu với Benoit Lecomte, vận động viên chuyên bơi lội dài hơi người Pháp. Lecomte từng bơi liên tục 6 giờ đồng hồ ở Thái Bình Dương.

Các nhà nghiên cứu tin rằng, những người thường xuyên ngâm mình trong nước như Lecomte sẽ cung cấp các dữ liệu giá trị, vì nước làm mất tác dụng của trọng lực.

Phi hành gia Kelly có 340 ngày trên trạm ISS, tập thể dục trên máy chạy bộ và xe đạp cố định ít nhất một giờ mỗi ngày. Trong khi đó, Lecomte có sáu giờ mỗi ngày bơi trong tư thế nằm sấp.

Các nhà khoa học nhận thấy, cả hai người đàn ông đều bị giảm kích thước và khối lượng tâm thất trái của tim. Đường kính tâm thất trái của Kelly giảm từ 5,3cm xuống 4,6cm. Đối với Lecomte là từ 5cm xuống 4,7cm.

Các nhà nghiên cứu kết luận, mỗi khi một người ngồi hoặc đứng, trọng lực sẽ khiến máu dồn xuống chân. Tim sẽphải hoạt động tích cực để giữ máu tiếp tục lưu thông, đảm bảo chức năng bình thường. Loại bỏ trọng lực trong thời gian dài, ví dụ như ngủ đông trong môi trường không trọng lực, sẽ khiến trái tim bị co lại.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Circulation ngày 29.3.