Dân Việt

Câu chuyện sốc về cách Liên Xô "nghiền nát" 40 vạn quân Đức quốc xã

Nguyễn Thái - Tổng hợp 31/07/2021 00:25 GMT+7
Sau hàng loạt động thái phục vụ cho kế “nghi binh”, Liên Xô đã khiến Đức quốc xã phán đoán sai và phải trả giá đắt.

img

Lính Hồng quân Liên Xô trong chiến dịch Bagration năm 1944 do những người đam mê tái hiện lịch sử hóa trang thành. Ảnh: Getty

Năm 1944, trận chiến quyết định trong cuộc chiến chống Đức quốc xã bắt đầu, nhưng đó không phải là cuộc đổ bộ D-Day ở bờ biển Normandy mà là trận chiến cách đó hàng nghìn km về phía đông ở Belorussia (nay là Belarus).

Nói vậy không phải để đánh giá thấp chiến tích lịch sử của quân Đồng Minh trong cuộc đổ bộ D-Day và cuộc chiến khốc liệt ở chiến dịch Normandy sau đó. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là Mặt trận phía Đông có tầm quan trọng lớn hơn.

Chiến dịch Bagration - hay Trận chiến chống lại Cụm tập đoàn quân Trung tâm - là một chiến thắng quyết định của Hồng quân Liên Xô trước Đức quốc xã. Các mục tiêu chiến lược đều đạt được, qua đó, tạo cơ sở sẵn sàng cho cuộc tấn công cuối cùng vào nước Đức.

Kế "nghi binh" công phu của Liên Xô

Các chỉ huy Liên Xô dự tính phát động một cuộc tấn công lớn theo trục dọc dài 720 km ở Belorussia, nhằm vào cụm tập đoàn quân Trung tâm của Đức quốc xã đang chiếm đóng ở đây. Nếu thành công, Hồng quân sẽ tiến vào Ba Lan và mở đường cho cuộc tấn công trực tiếp vào Berlin, Đức.

4 phương diện quân - tổ chức quân sự binh chủng hợp thành cấp chiến dịch chiến lược cao nhất trong quân đội Liên Xô - sẽ tham gia vào cuộc tấn công lớn này. Cụ thể:

Phía bắc, phương diện quân Baltic 1 (360.000 quân), dưới sự chỉ huy của tướng Ivan Bagramyan, sẽ tiến vào Latvia để kiểm soát cánh phải của cuộc tấn công chính.

Phía nam, phương diện quân Belorussia 3 (580.000 quân), dưới quyền của tướng Ivan Chernyakhovsky, sẽ chiếm Vitebsk (Belorussia) và khu vực phía bắc thành phố Orsha (Belorussia), trước khi tiến về thủ đô Minsk (Belorussia) và thủ đô Vilnius (Lithuania).

Ở phía nam thành phố Orsha, phương diện quân Belorussia 2 (320.000 quân), dưới sự chỉ huy của tướng Georgi Zakharov, sẽ hỗ trợ phương diện quân Belorussia 3 trong việc bao vây Minsk và di chuyển về phía thành phố Grodno (Belorussia) như một phần của chiến dịch "dọn dẹp" cho các phương diện quân khác.

Xa nhất về phía nam, phương diện quân Belorussia 1 (555.000 quân) do tướng Konstantin Rokossovsky thống lĩnh, cũng sẽ hỗ trợ tấn công vào Minsk từ hướng nam.

Phương diện quân Belorussia 1 và 3 đã triển khai thiết giáp và hỏa lực mạnh nhất để hoàn thành nhiệm vụ chung là bao vây quân Đức quốc xã ở phía đông thành phố Minsk và ngăn chặn mọi đợt rút lui của binh sĩ Hitler về Ba Lan.

Tổng phụ trách chiến dịch Bagration là 2 trong số những chỉ huy thân tín nhất với Stalin: Nguyên soái Aleksandr Vasilevsky - chịu trách nhiệm 2 phương diện quân ở phía bắc và nguyên soái Georgi Zhukov - phụ trách 2 phương diện quân ở phía nam.

imgimg

Xe tăng của Hồng quân Liên Xô. Ảnh: The Past

Do thành công của chiến dịch Bagration phụ thuộc rất lớn vào việc bí mật tập trung quân dự bị và hoán chuyển vị trí của các Tập đoàn quân thuộc phương diện quân, nên yêu cầu đầu tiên của kế nghi binh là giấu kín các hoạt động chuyển quân này. Ngoài ra, Liên Xô còn cần củng cố niềm tin của Hitler và Bộ Tổng tư lệnh tối cao Đức quốc xã (OKH) rằng mục tiêu tấn công sắp tới của Hồng quân sẽ là miền Trung và Nam Đông Âu.

Để kế nghi binh suôn sẻ, bắt đầu từ giữa tháng 4, Hồng quân chuyển toàn bộ mặt trận sang phòng ngự. Mọi biện pháp giữ bí mật được triển khai: các trạm phát radio công suất lớn ngưng hoạt động, kế hoạch tấn công chỉ được phổ biến cho một số rất ít người liên quan, việc chuyển quân chỉ thực hiện ban đêm, các địa điểm tập trung quân được nguỵ trang kỹ lưỡng...

Hồng quân còn để lại phần lớn lượng xe tăng ở Ukraine. Các đài phát sóng radio cũng được lệnh tập trung hoạt động ở đây để Đức quốc xã tin rằng Liên Xô đang dồn quân tới khu vực này.

Dựa trên suy luận rằng các mũi tấn công của Hồng quân phải có các binh đoàn xe tăng làm mũi nhọn, trong khi thông tin thu thập từ mặt trận cho thấy phần lớn các binh đoàn xe tăng của Liên Xô đang tập trung ở Ukraina, nên OKH đánh giá thấp nguy cơ ở Belorussia.

Tình báo Đức cũng bác bỏ khả năng Liên Xô tấn công vào Belorussia vì địa hình nơi đây phù hợp với khả năng phòng thủ và cụm tập đoàn quân Trung tâm khi đó không dễ bị "bắt nạt".

Ngay cả khi cụm tập đoàn quân Trung tâm phát hiện Hồng quân tập trung quy mô lớn ở chiến tuyến đối diện, OKH vẫn chỉ coi đây là đòn nghi binh của Liên Xô.

Tự tin với phán đoán này, OKH điều động các xe tăng di chuyển về hướng nam và huy động lực lượng của cụm tập đoàn quân Trung tâm tới hỗ trợ các cụm tập đoàn quân khác.

Tấn công đồng loạt

Theo trang Timescolonist, Hồng quân Liên Xô có ưu thế về mọi mặt từ quân số cho tới vũ khí. Tại mặt trận, Hồng quân có tổng cộng 2,4 triệu quân với 36.000 đại bác và súng cối, 5.200 xe tăng, pháo tự hành, 5.300 máy bay chiến đấu. Trong khi đó, quân lực của Đức quốc xã ở cụm tập đoàn quân Trung tâm gồm 80 vạn người, 900 xe tăng và pháo tự hành, 9.000 đại bác và súng cối, và 1.350 máy bay. 

Chiến dịch Bagration được đánh giá không phải là một đòn lớn mà là một loạt các cuộc tấn công từ phía bắc tới phía nam.

Chiến dịch này được chia thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1: Tấn công khu vực chiến thuật của phòng tuyến 

Ban đầu, Bộ Tổng Tư lệnh Tối cao Quân đội Liên Xô (STAVKA) dự định tấn công từ ngày 15 đến 20/6/1944. Nhưng vì quy mô lực lượng ở mặt trận quá lớn, việc đảm bảo hậu cần không đáp ứng kịp, nên Liên Xô quyết định dời ngày bắt đầu chiến dịch đến ngày 23/6. 

Tuy nhiên, ngày 22/6/1944, đúng ngày quân đội Đức quốc xã bắt đầu chiến dịch Barbarossa 3 năm trước, Hồng quân bắt đầu nổ súng thăm dò.

Ở phía bắc, nhóm trinh sát thuộc phương diện quân Baltic 1, được cho là đang do thám để mở đường cho cuộc tấn công chính thức, đã gặp nhiều thuận lợi - dễ dàng tiến sâu 5 km vào phòng tuyến quân Đức.

Mọi chuyện suôn sẻ tới mức, tướng Bagramyan - chỉ huy phương diện quân Baltic 1 - quyết định bỏ kế hoạch trinh sát chuyển sang tiến công ngay lập tức vào rạng sáng 23/6.  

img

Hỏa lực của Không quân Liên Xô. Ảnh: The Past

Tối 22/6, Hồng quân cho máy bay tấn công vào các điểm tập trung quân và các khẩu đội pháo của quân Đức nhằm lôi kéo đối phương tập trung ra các tuyến phòng ngự bên ngoài để tăng hiệu quả sát thương của đợt bắn phá bằng pháo binh ngày hôm sau. 

Vào khoảng 5h sáng 23/6, pháo binh của Hồng quân tiếp nối các cuộc không kích trước đó bằng loạt pháo kéo dài suốt 2 tiếng. Đặc biệt, ở khu vực phòng tuyến đối diện của Phương diện quân Belorussia 1 và 3, đợt pháo kích được lính Đức quốc xã mô tả là "chưa từng thấy".

img

Một đơn vị pháo binh của Hồng quân Liên Xô. Ảnh: The Past

Sau loạt pháo, không quân tiếp tục oanh tạc các tuyến phòng thủ của quân Đức, trong khi các phương diện quân tấn công ồ ạt ở 6 đoạn chiến tuyến. 

Các đợt tấn công của Hồng quân có sự hỗ trợ lớn từ hỏa lực của pháo binh và không quân. 

Ngày 24/6, phương diện quân Belorussia 1 tấn công thành phố Bobruisk (Belorussia) từ phía đông bắc và đông nam. Lực lượng của Hồng quân sau đó lần lượt bao vây Bobruisk, Mogilev và Vitebsk. Quân Đức quốc xã tại các khu vực này chống trả dữ dội nhưng trước các đòn đánh bất ngờ, mưu trí của Hồng quân, binh sĩ Đức quốc xã buộc phải rút lui, làm trái lệnh tử thủ của Hitler.

Ba năm trước (năm 1941), Hồng quân Liên Xô bị chia cắt thành nhiều nhóm nhỏ, bị bao vây và tấn công trong các khu vực biệt lập. Ba năm sau, họ là người nắm thế chủ động trong cuộc chiến với quân Đức quốc xã. 

Giai đoạn 2: Tập trung thọc sâu vào trung tâm 

img

Lính bộ binh Hồng quân Liên Xô. Ảnh: The Past

Sau khi đánh tan các khu vực phòng ngự chiến thuật, các Phương diện quân nhanh chóng tổ chức các mũi thọc sâu.

Phương diện quân Baltic 1 đánh chiếm Polotsk-Glubokoe để tiếp tục khoét sâu kẽ hở giữa cụm tập đoàn quân phía Bắc và cụm tập đoàn quân Trung tâm.

Khi nhận thấy mặt trận Đông Bắc gặp nguy, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Đức quốc xã điều Sư đoàn thiết giáp 5 từ Ukraine lên chặn mũi chủ công Đông Bắc của Hồng quân, yểm trợ cho Tập đoàn quân 4 rút lui.   Nhưng khi Sư đoàn thiết giáp 5 của Đức quốc xã lại bị Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 5 và Quân đoàn Cơ giới hoá Cận vệ 3 của Hồng quân bao vây. Cuối cùng, quân Đức quốc xã phải rút lui. 

Chủ lực của các phương diện quân Belorussia1, 2, 3 tấn công theo các trục giao nhau tại Minsk nhằm bao vây Quân đoàn 4 của Đức Quốc xã.

Một cánh của phương diện quân Belorussia 1 tấn công theo trục Slutsk-Baranovichi để cô lập Minsk từ phía nam. Các chiến dịch này bắt đầu từ ngày 29/6 và kết thúc vào ngày 4/7/1944. 

Giai đoạn 3: Khai thác thành quả ở hướng tây của mặt trận

img

Hồng quân Liên Xô trong chiến dịch Bagration. Ảnh: The Past

Giai đoạn này bắt đầu từ ngày 5/7 và kết thúc ngày 29/8/1944. Đây là giai đoạn phát huy thành quả của chiến dịch Bagration và phạm vi lan rộng ra lãnh thổ các nước vùng Baltic, Ba Lan. Giai đoạn này bắt đầu khi khu vực phía đông thành phố Minsk đã được thắt, việc kiểm soát khu vực này được giao cho phương diện quân Belorussia 2. Phương diện quân Belorussia 1 và 3 chịu trách nhiệm truy kích đối phương bỏ chạy.

Ngày 28/6/1944, nhận thấy mặt trận Belorussia phát triển thuận lợi, STAVKA chỉ đạo các phương diện quân phải tiến xa hơn về phía tây. 

Cùng ngày, Thống chế Walter Model được bổ nhiệm thay thế Ernst Busch làm Tư lệnh Cụm Tập đoàn quân Trung tâm của Đức quốc xã. Sau khi mặt trận Belorussia sụp đổ, Model tổ chức mới Tập đoàn quân số 2 và số 4 bao gồm Sư đoàn Thiết giáp 7 - được điều tăng viện từ mặt trận Ukraine - cộng với tàn quân của Tập đoàn quân số 4 và số 9 để lập tuyến đứng chân theo trục Vilnius - Lida - Baranovichi.

Dù lúc này, Hồng quân cũng bị tiêu hao đáng kể nhưng vẫn còn sức chiến đấu so với đối phương đã mất ý chí. Vì thế, các Phương diện quân tranh thủ cơ hội tổ chức tiếp 5 chiến dịch liên hoàn ở trục quân Đức quốc xã phòng thủ, phá vỡ ý đồ phòng ngự của binh sĩ Hitler.

Sự linh hoạt của Liên Xô

img

Những người đam mê tái hiện lịch sử hóa trang thành những binh sĩ Thế chiến II trong chiến dịch Bagration năm 1944. Ảnh: Getty

Sự linh hoạt của Hồng quân được thể hiện qua cách quân đoàn xe tăng cận vệ 5 chiến đấu dưới sự lãnh đạo của chỉ huy Pavel Rotmistrov. 

Quân đoàn xe tăng cận vệ 5 bao gồm các xe tăng, pháo chống tăng, pháo binh, hàng không, bộ binh và các đơn vị yểm trợ. Quân đoàn này lúc đó dự kiến tham chiến vào ngày thứ 4 của chiến dịch, sau khi quân đoàn xe tăng cận vệ số 11 chọc thủng phòng tuyến của quân Đức. Tuy nhiên, sự kháng cự của quân Đức đã khiến thời gian hoạt động của quân đoàn này bị lùi lại.  

Quân đoàn xe tăng cận vệ 5 sau đó chuyển sang hỗ trợ phương diện quân Belorussia 3 tấn công vào khu vực mà quân đoàn này có thể khai thác lỗ hổng trong phòng tuyến của quân Đức. 

Quân đoàn xe tăng dưới quyền chỉ huy Rotmistrov đã tiến sâu vào khu vực phía sau nơi đồn trú của cụm tập đoàn quân Trung tâm, ngăn không cho quân Đức rút lui và cắt đường tiếp tế của đối phương. 

Duy trì tốc độ tiến công 30-40 km/ngày, quân đoàn xe tăng cận vệ 5 đã đánh chiếm trung tâm liên lạc chủ chốt của quân Đức ở thành phố Orsha (Belorussia), trước khi bao vây thành phố Minsk, nơi có gần 10 vạn quân Đức.

Trong khi đó, quân đoàn xe tăng cận vệ 1 dưới sự chỉ huy của tướng Batov được giao nhiệm vụ tấn công vào thành phố Bobruisk (Belorussia) - khu vực có địa hình đầm lầy rất bất lợi cho xe tăng. Tướng Batov đã lệnh cho các binh lính trải "thảm gậy - cành cây", giúp 193 xe tăng dễ dàng vượt địa hình đầm lầy.

Các lớp phòng thủ của quân Đức ở đây rất yếu, chưa kể yếu tố bất ngờ mà quân đoàn xe tăng cận vệ 1 tạo ra khi đánh úp vào Bobruisk từ phía tây bắc. 6 sư đoàn Đức đã bị bao vây tại đây.

Thất bại thảm hại nhất Thế chiến II của Đức quốc xã

img

Những người đam mê tái hiện lịch sử hóa trang thành những binh sĩ Thế chiến II trong chiến dịch Bagration năm 1944. Ảnh: Getty

Kết thúc chiến dịch Bagration (29/8/1944), Hồng quân Liên Xô đánh tan cụm tập đoàn quân Trung tâm của Đức quốc xã, giải phóng hoàn toàn lãnh thổ Belorussia cùng phần lớn lãnh thổ các quốc gia vùng Baltic và đông bắc Ba Lan. Với Đức Quốc xã, đây là thất bại thảm hại nhất Thế chiến II khi có 400.000 quân thương vong, trong khi con số này của Hồng quân Liên Xô là hơn 180.000.

Chiến dịch Bagration cũng được các nhà nghiên cứu lịch sử coi là tiêu biểu cho nghệ thuật quân sự Liên Xô khi Học thuyết "tác chiến chiều sâu" được thực hiện gần như hoàn hảo.

Thành công của chiến dịch Bagration còn tạo tiền đề cho các chiến thắng trong các chiến dịch Wisla – Oder hay chiến dịch Berlin, kết thúc thắng lợi cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của người dân Liên Xô.

-------------------------

Từ tháng 6/1944, Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Joseph Stalin, bắt đầu chiến dịch ở mặt trận phía đông. Trong suốt 1 năm, Hồng quân Liên Xô đã chiến đấu để mở đường tiến về Berlin với quyết tâm "kết liễu" Đức quốc xã. Ngày 16/4/1945, một chiến dịch quyết liệt diễn ra. Sau chiến dịch này, Hitler phải tự sát, còn Đức quốc xã đầu hàng vô điều kiện. Bài kỳ cuối đăng trên mục Thế giới vào sáng ngày 1/8 sẽ làm rõ về trận chiến này!