Bà Suu Kyi có thể bị cấm tham gia hoạt động chính trị nếu bị kết án tù.
Bà Suu Kyi bị cáo buộc tàng trữ thiết bị liên lạc nhập khẩu trái phép, là radio chứ không phải điện thoại, theo Abc.net.au.
Thiết bị này được tìm thấy khi quân đội Myanmar khám nhà bà Suu Kyi ở thủ đô Naypyidaw. Với cáo buộc trên, bà Suu Kyi đối mặt án tù giam 3 năm.
Quân đội Myanmar cho biết, bà Suu Kyi vẫn sẽ bị tạm giữ cho đến ngày 15.2 để phục vụ điều tra.
Thomas Andrews, thanh tra nhân quyền của Liên Hiệp quốc phụ trách vấn đề Myanmar, nói cáo buộc này là nhằm để buộc bà Suu Kyi phải im lặng.
“Bị buộc tội vì tàng trữ radio nhập khẩu trái phép là cáo buộc kỳ lạ nhất mà tôi từng biết, ông Andrews nói. “Quân đội muốn đưa bà ấy vào tù càng sớm càng tốt”.
Emerlynne Gil, Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói: “Nếu bà Suu Kyi thực sự bị kết tội thì rõ ràng quân đội Myanmar muốn đưa bà ấy vào tù với bất cứ tội danh nào có thể quy kết được”.
Bà Suu Kyi hiện đối mặt với bản án lên tới 3 năm. Nếu bị kết án, bà có thể sẽ bị cấm hoạt động chính trị ở Myanmar. “Quân đội tạm thời nắm quyền lực để có thể ngăn bà Suu Kyi tiếp tục ra tranh cử”, Justine Chambers, chuyên gia công tác tại Đại học Quốc gia Úc, nói.
Chuyên gia Chambers cho rằng sau khi nhắm đến bà Suu Kyi, quân đội có thể tìm cách giải thể đảng NLD do bà sáng lập.
Cách thức này gần tương tự với cách Tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia Thái Lan Prayuth Chan-ocha lật đổ chính phủ, trở thành Thủ tướng vào năm 2014.
Năm 2019, ông Prayuth Chan-ocha tái đắc cử Thủ tướng Thái Lan với số phiếu áp đảo sau khi đã loại bỏ các đối thủ chính trị tiềm tàng, chuyên gia Chambers cho biết.
Theo các chuyên gia, hiện chưa rõ bà Suu Kyi có thể bị kết án tù hay không.
“Quân đội Myanmar nắm quyền kiểm soát đáng kể đối với cơ quan tư pháp. Trong vài ngày gần đây, họ đã đưa đồng minh vào các vị trí chủ chốt của bộ máy tư pháp”, bà Chambers nói. “Vấn đề là phản ứng của người dân. Người dân Myanmar có thể sẽ phẫn nộ nếu bà Suu Kyi bị kết án tù”.