Thủ lĩnh tối cao Taliban, Akhundzada (trái) có thể trở thành lãnh tụ tối cao, trong khi phó thủ lĩnh Baradar (phải) là người đứng đầu chính phủ mới.
Taliban lẽ ra tuyên bố thành lập chính phủ mới vào ngày 4.9, với phó thủ lĩnh Mulla Abdul Ghani Baradar là người đứng đầu. “Thông báo về việc thành lập chính phủ và nội các mới sẽ được dời lại vào tuần sau”, Mujahid nói.
Đây là lần thứ hai Taliban hoãn thành lập chính phủ sau khi kiểm soát gần như toàn bộ lãnh thổ Afghanistan vào ngày 15.8. Tuyên bố được đưa ra khi cộng đồng quốc tế đang chờ đợi Taliban công bố chính phủ mới.
Khalil Haqqani, thành viên một ủy ban do Taliban thành lập, nói tổ chức vẫn đang tích cực đàm phán với các phe phái để thành lập một chính phủ hòa hợp mà cộng đồng quốc tế có thể chấp nhận. Đây là nguyên nhân khiến Taliban chưa thể tuyên bố thành lập chính phủ mới.
“Taliban có thể tự thành lập chính phủ, nhưng chúng tôi đang tập trung xây dựng một nhà nước mà tất cả các phe phái, các nhóm dân tộc đều có thể đại diện”, Khalil nói, nhấn mạnh “tổ chức hiểu rõ chỉ Taliban cầm quyền là điều không được cộng đồng quốc tế chấp nhận”.
Em trai cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, Hashmat Ghan cũng sẽ được giao chức vụ trong chính phủ Taliban, Khalil nói. Cuối tháng trước, Hashmat đã thề trung thành với Taliban.
Hôm 3.9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói Washington và cộng đồng quốc tế mong muốn Taliban sẽ thành lập một chính phủ hòa hợp ở Afghanistan, đáp ứng cam kết chống khủng bố và tôn trọng quyền phụ nữ.
Theo các nguồn tin am hiểu vấn đề, Taliban có thể xây dựng chính quyền ở Afghanistan theo mô hình giống như ở Iran, trong đó thủ lĩnh tối cao Mullah Hebatullah Akhundzada sẽ đóng vai trò là giáo chủ hay lãnh tụ tối cao.
Lãnh tụ tối cao có quyền lực lớn nhất trong mọi lĩnh vực chính trị, tôn giáo và quân sự ở Iran, là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.