Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5 năm nay người lao động được nghỉ mấy ngày
Năm 2021, ngày 10/3 âm lịch rơi vào thứ Tư (ngày 21/4 dương lịch). Do đó, năm nay, người lao động chỉ được nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày duy nhất mà không được nghỉ bù, hoán đổi ngày nghỉ hay nghỉ kèm ngày nghỉ cuối tuần.
Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021, người lao động được nghỉ 1 ngày duy nhất.
Ngày Chiến thắng (30/4) và ngày Quốc tế lao động (1/5) năm 2021 rơi vào thứ Sáu và thứ Bảy nên người lao động làm việc theo chế độ nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật sẽ được nghỉ bù ngày thứ Bảy (1/5) vào thứ Hai (3/5) của tuần tiếp theo.
Như vậy, trong dịp lễ này, người lao động theo chế độ nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật sẽ được nghỉ 4 ngày liên tục, từ ngày 30/4/2021 đến hết ngày 3/5/2021.
Trong khi đó, người lao động làm việc tại doanh nghiệp không áp dụng chế độ nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật thì chỉ được nghỉ 2 ngày theo quy định.
Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong ngày lễ 30/4 (1 ngày) và ngày Quốc tế lao động 1/5 (1 ngày).
Bộ GD-ĐT phản hồi thông tin tiếng Hàn, tiếng Đức trở thành môn học bắt buộc
Chiều 4/3, Bộ GD-ĐT có phản hồi chính thức về việc thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT).
Theo Bộ GD-ĐT, ngày 9-2-2021, Bộ này đã ban hành quyết định về việc Ban hành Chương trình GDPT môn tiếng Hàn và tiếng Đức - Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm. Theo đó, môn tiếng Hàn, tiếng Đức sẽ được thí điểm là Ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT.
Bộ GD-ĐT cho biết việc dạy học các môn ngoại ngữ trong trường phổ thông đã được triển khai từ nhiều năm qua. Theo đó, ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc (gồm các môn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, sau đó bổ sung môn tiếng Nhật); ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn (trong đó có tiếng Đức, tiếng Hàn).
Sau thời gian thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 ở một số địa phương và đạt hiệu quả, nhu cầu học tập của học sinh ngày càng nhiều hơn. Các cơ sở giáo dục phổ thông và học sinh có nguyện vọng lựa chọn môn học này là ngoại ngữ 1, để phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh.
Bộ Nội vụ nói về việc bổ nhiệm con gái 31 tuổi của Bí thư Vĩnh Phúc
UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa bổ nhiệm bà Trần Huyền Trang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, làm Phó Giám đốc Sở KH-ĐT. Bà Trần Huyền Trang là con gái của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đương nhiệm, bà Hoàng Thị Thúy Lan.
Bà Trần Huyền Trang (thứ 2 từ bên phải sang) vừa được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở KH-ĐT Vĩnh Phúc - Ảnh: Facebook
Bà Trần Huyền Trang (31 tuổi) từng du học Trung Quốc, sau đó về làm chuyên viên của Thành đoàn TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) từ đầu năm 2013.
Đến giữa năm 2016 chuyển sang làm chuyên viên Sở KH-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 2017, bà Trang được cử đi học ở Singapore.
Năm 2018, bà Trang trở về nước và được bổ nhiệm giữ chức phó phòng tại Sở KH-ĐT, rồi Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (thuộc Sở KH-ĐT Vĩnh Phúc).
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, báo cáo của tỉnh, trường hợp của bà Trần Huyền Trang không phải cá biệt mà nằm trong tổng thể. Từ đầu tháng 2/2021, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch công tác nhân sự, trong đó sẽ bổ nhiệm một đợt chung từ 10 - 15 cán bộ, trong số đó có 6 đồng chí nữ, có 8 cán bộ trẻ.
Sau 5 ngày điều trị, bé rơi từ tầng 13 chung cư được ra viện
Sau 5 ngày điều trị, hiện sức khỏe của bé gái ngã từ tầng 12A của chung cư trên phố Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội) đã ổn định, được ra viện.
Khớp háng của cháu bé đã được nắn chỉnh và bất động vững chắc; tại chỗ không sưng, đau, không biến dạng; kết quả chụp X-quang khớp háng bên phải đã trở lại vị trí bình thường. Trẻ được hẹn khám lại sau 2-3 tuần để đánh giá kết quả phục hồi chức năng của khớp háng.
Bác sĩ chia tay bệnh nhi ra viện
Trước đó, vào khoảng 17h chiều 28/2, bé H. ở tầng 12A (tức tầng 13) của tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội bất ngờ bò từ trong nhà, trèo ra lan can. Sau đó, bé treo mình lơ lửng ở tầng 13. Một số người dân ở tòa nhà bên cạnh phát hiện sự việc đã hô hoán.
Lúc này, anh Nguyễn Ngọc Mạnh (ở Đông Anh, Hà Nội, là tài xế xe tải, chuyên nhận chuyển nhà trọn gói) phát hiện sự việc nên đã trèo lên mái che của sảnh và đỡ được bé gái khi bé rơi xuống. Rất may mắn, cháu bé chỉ bị thương. Ngay lập tức, người dân và gia đình đã đưa cháu bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.
Sáng 8/3 bắt đầu tiêm mũi vắc-xin COVID-19 đầu tiên
Tính đến 18h ngày 7/3, Việt Nam có tổng cộng 1585 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 892 ca.
BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, sẽ có 100 cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện được tiêm vắc xin AstraZeneca ngừa COVID-19 trong sáng 8/3. Đây là những người trực tiếp tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Chiều 6/3, lực lượng chức năng quận 1, TP.HCM phối hợp với cơ quan y tế phong tỏa một khách sạn trên đường Lý Tự Trọng (phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM) để khử khuẩn, làm rõ nhóm 35 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đang lưu trú tại đây. Khách sạn nơi họ lưu trú cũng được tạm thời phong tỏa, phun thuốc khử khuẩn. Theo lãnh đạo Trung tâm y tế quận 1, kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy toàn bộ 35 người đều âm tính với COVID-19.
Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM vừa hoàn thành Kết luận điều tra (KLĐT) đề nghị truy tố Dương Tấn Hậu (tiếp viên hàng không, sinh năm 1992, ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Sở Y tế TPHCM xác định thiệt hại từ việc gây lây lan dịch bệnh COVID-19 ra cộng đồng là gần 2,8 tỷ đồng, gồm chi phí xét nghiệm tầm soát các trường hợp F1, F2. Ngoài ra còn có chi phí sử dụng để tiến hành cách ly y tế các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân dương tính có liên quan đến vụ án... Tổng thiệt hại vật chất đến nay là hơn 4,475 tỷ đồng.