Dân Việt

Mỹ rầm rộ tập trận cùng đồng minh, đối phó kịch bản TQ hoặc Nga tấn công chớp nhoáng

Đăng Nguyễn - SCMP 08/02/2021 10:40 GMT+7
Mỹ sắp mở cuộc tập trận quân sự rầm rộ trên đảo Guam cùng đồng minh Úc và Nhật Bản, đối phó đòn tấn công chớp nhoáng từ Nga hay Trung Quốc.

img

Chiến đấu cơ Mỹ, Nhật Bản và Úc diễn tập quân sự chung vào năm ngoái.

Cuộc tập trận chung diễn ra tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, bắt đầu từ ngày 10.2 và sẽ kéo dài cho đến ngày 19.2, tức là qua dịp Tết Nguyên đán. Trong cuộc tập trận, các chiến đấu cơ tàng hình F-35A sẽ lần đầu tiên hiện diện ở căn cứ dã chiến trên đảo Guam.

Cuộc tập trận nhằm đề ra phương án ứng phó của Mỹ và đồng minh trong trường hợp Nga hoặc Trung Quốc tung đòn tấn công chớp nhoáng bằng tên lửa, vô hiệu hóa căn cứ Andersen.

Các sân bay đặt tại căn cứ dã chiến trên đảo Guam khi đó sẽ được kích hoạt để chiến đấu cơ F-16 hay F-35A vẫn có thể cất cánh.

Cuộc tập trận cũng nhằm kiểm tra năng lực của 3 quốc gia trong việc ứng phó với các thảm họa thiên nhiên trong khu vực.

“Trung Quốc và Nga ngày càng tạo ra mối đe dọa to lớn đối với các căn cứ quân sự Mỹ ở ngoài khơi xa. Để thích ứng với các mối đe dọa này, không quân cần đảm bảo năng lực tác chiến ngay cả tại các sân bay dã chiến”, tướng Jeremy T Sloane, chỉ huy phi đội không quân số 36 tại căn cứ Andersen, nói.

Tướng T Sloane nói không quân Mỹ vẫn có thể huy động oanh tạc cơ tầm xa hỗ trợ, nhưng căn cứ Andersen vẫn phải tìm ra cách để đưa các máy bay chiến đấu tham chiến trong trường hợp đường băng ở sân bay chính bị phá hủy.

Sân bay dã chiến Northwest có đường băng dài dưới 2.400 mét, có số lượng nhà chứa máy bay hạn chế và không có đài kiểm soát không lưu thường trực. Sân bay này vốn chỉ được trực thăng và máy bay vận tải sử dụng.

Song Zhongping, chuyên gia quân sự Trung Quốc, nói “cuộc tập trận nhằm đảm bảo khả năng kết nối giữa các căn cứ trên đảo Guam”, trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công.

“Các chiến đấu cơ thế hệ 4 và thế hệ 5 có thể được luân chuyển tại các sân bay trên đảo, đảm bảo năng lực tiếp tục tung đòn đáp trả nếu sân bay chính bị phá hủy”, ông Song nói.

Ông Song nhận định, Nhật Bản và Úc tham gia tập trận cùng Mỹ để quân đội các quốc gia này hiểu thêm về chiến lược của Mỹ, từ đó giúp quân đội Mỹ sử dụng căn cứ ở các quốc gia này để đối phó đòn tấn công từ Trung Quốc.

Trải qua hàng thập kỷ hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc được cho là đã sở hữu năng lực xuyên thủng mạng lưới phòng thủ của Mỹ ở chuỗi đảo thứ nhất, trải dài từ Nhật Bản cho đến Philippines, theo các chuyên gia.

Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng tại Tập đoàn RAND, nói: “Mở rộng năng lực chiến đấu tại các sân bay dã chiến sẽ khiến Trung Quốc không thể tự tin loại bỏ hoàn toàn lực lượng Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương”.

Ngoài căn cứ trên đảo Guam, Mỹ cũng có thể đề ra chiến lược tương tự với căn cứ Kadena trên đảo Okinawa, Nhật Bản.

“Với năng lực mới, các chiến đấu cơ Mỹ có thể tác chiến từ nhiều địa điểm hơn, đảm bảo khả năng sống sót vì không cần tập trung ở sân bay chính. Có nghĩa là quân đội Trung Quốc sẽ không thể tự tin loại bỏ hoàn toàn lực lượng Mỹ trong khu vực”, ông Heath nói. “Trung Quốc sẽ không thể biết chiến đấu cơ Mỹ cất cánh từ đâu”.