Đại tá Mamadi Doumbouya, chỉ huy quân đảo chính Guinea.
Mamadi Doumbouya, chỉ huy quân đảo chính Guinea, cam kết thành lập chính phủ đoàn kết, không săn lùng các thành viên chính phủ cũ, cam kết rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không bị ảnh hưởng.
"Sẽ có một cuộc hội đàm để xây dựng quy định cho quá trình chuyển giao quyền lực, sau đó thành lập chính phủ liên hiệp quốc gia để chỉ đạo quá trình này", đại tá Mamadi Doumbouya, nói.
"Guinea sẽ duy trì mọi cam kết và thỏa thuận khai khoáng", ông nói, nhắc tới ngành công nghiệp khai thác mỏ vốn là trụ cột kinh tế đất nước.
Ước tính 50% lượng bô xít (bauxite) nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Guinea. Bô xít là nguyên liệu thô để tạo ra nhôm, kim loại màu cần thiết nhất thế giới, được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm như iPhone, máy bay, ô tô và đồ nội thất.
Tình trạng bất ổn chính trị ở Guinea đã dẫn đến sự xáo trộn thị trường ở Trung Quốc. Giá nhôm tăng vọt vào ngày 6.9 với giá trị hợp đồng giao dịch tăng cao nhất kể từ tháng 7.2008, trong phiên giao dịch tại Sàn giao dịch có kỳ hạn ở Thượng Hải.
Một nguồn tin giấu tên trong lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc nói trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, rằng các binh sĩ đảo chính vẫn cho phép bô xít xuất khẩu qua các cảng biển.
Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ nhôm lớn nhất thế giới. Năm 2020, Trung Quốc nhập 52,7 triệu tấn bô xít từ Guinea. Tổng cộng có 14 công ty nhà nước và tư nhân Trung Quốc có hợp đồng làm ăn liên quan đến sản xuất nhôm ở Guinea.
Tổng thống Guinea, Alpha Conde bị các binh sĩ đảo chính bắt giữ.
Ngoài nhôm, cuộc đảo chính cũng đặt các mỏ quặng sắt do Trung Quốc đầu tư khai thác trở thành tâm điểm chú ý. Các công ty Trung Quốc đã đầu tư đáng kể vào dự án khai thác tại mỏ Simandou. Khu mỏ này ước tính có trữ lượng hơn 10 tỉ tấn quặng sắt cao cấp.
Ngày 10.6.2020, liên doanh các công ty khai thác của Trung Quốc và Guinea ký thỏa thuận với chính phủ về việc khai thác hai phần ở phía bắc của mỏ Simandou, với giá trị hợp đồng 14 tỉ USD.
Wang Guoqing, giám đốc Trung tâm nghiên cứu thông tin thép Lange ở Bắc Kinh, nói thỏa thuận khai thác được ký với chính phủ cũ. "Các khoản đầu tư chiến lược của Trung Quốc vào mỏ quặng sắt Simandou có thể gặp rủi ro, nhất là khi chưa rõ lập trường của chính phủ mới", ông Wang nói.
Một công dân Trung Quốc họ Yuan, làm việc cho một công ty thương mại có vốn đầu tư của Trung Quốc ở thủ đô Conkary, nói công ty đã tạm đóng cửa vì lý do bất ổn. Tất cả những người Trung Quốc đều không ra khỏi nơi ở.
“Một người bạn của tôi sống ở gần phủ tổng thống Guinea, nhìn thấy viên đạn xuyên qua cửa kính tại nơi ở”, Yuan nói, nhấn mạnh rằng người Trung Quốc ở Guinea đang rất lo lắng về quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Guinea dưới thời chính phủ mới, rằng liệu Guinea có tiếp tục hợp tác khai thác khoáng sản với Trung Quốc hay không.
Một quan chức Đại sứ quán Trung Quốc ở Guinea cho biết, chính phủ mới có thể buộc các công ty Trung Quốc phải ký hợp đồng khai thác mới, thay đổi các điều khoản cũ hoặc đánh thuế cao hơn và đưa thêm công ty địa phương tham gia dự án.
Cuộc đảo chính ở Guinea đã đặt ra câu hỏi về việc làm thế nào để bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài, vì Trung Quốc không thể sử dụng vũ lực như các cường quốc thời thuộc địa từng làm.
Theo tờ Hoàn Cầu, các thông tin chưa được xác định cho rằng, đại tá Mamady Doumbouya, chỉ huy lực lượng đảo chính, có mối quan hệ với Mỹ, dù Mỹ đã lên án cuộc đảo chính quân sự ở Guinea.
Zeng Aiping, thành viên Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, nói với tờ Hoàn Cầu rằng, Doumbouya từng được huấn luyện tại Mỹ và Pháp. Nhưng không rõ chỉ huy lực lượng đảo chính có phải là người thân Mỹ hay không.
Mỹ và phương Tây từ lâu đã gây sức ép, cản trở các dự án đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi theo nhiều cách khác nhau, để tránh việc một số quốc gia châu Phi lệ thuộc vào Trung Quốc.