Dân Việt

Ảnh độc đáo về các bộ lạc "Vệ thần rừng Amazon"

Nguyễn Thái - Tổng hợp 09/01/2021 15:55 GMT+7
Một nhiếp ảnh gia Brazil đã tìm đến những nơi có các bộ lạc bản địa sinh sống để chụp loạt ảnh về họ. Những bức ảnh đã thu hút được sự chú ý lớn.

img

Bức ảnh chụp cô gái thổ dân xinh đẹp của nhiếp ảnh gia Ricardo Stuckert. Ảnh: Ricardo Stuckert

Nhiếp ảnh gia Ricardo Stuckert, 50 tuổi, tới từ Brasilia, thủ đô của Brazil, có được bộ ảnh độc đáo sau những chuyến đi tới các bang như Acre, Amazonas, Bahia, và Alagoas - nơi có các bộ lạc bản địa của Brazil sinh sống.

Theo Daily Mail, các bộ lạc bản địa này được xem như "Vệ thần rừng Amazon" vì họ đang hành động để ngăn chặn việc tàn phá khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này. 

Tại nơi họ sinh sống, các bộ lạc bản địa đang phát triển các mô hình quản lý bền vững, trồng lại các khu rừng bị tàn phá và thậm chí là chống lại lâm tặc tới chặt phá rừng. 

img

img

img

Năm 2020, rừng Amazon xảy ra một số vụ cháy rừng khốc liệt nhất từ trước tới nay, cuộc sống của các bộ lạc bản địa đang bị đe dọa, vì đất đai là cơ sở để họ tồn tại.  

Ricardo hy vọng, tác phẩm của mình sẽ thu hút sự chú ý của mọi người tới những khó khăn mà các bộ lạc bản địa phải đối mặt, dù cho các khó khăn này không phải do họ gây ra. 

Nhiếp ảnh gia Brazil lần đầu gặp gỡ người của các bộ lạc bản địa năm 1997 khi đang chụp ảnh tại làng Yanomami, nằm ở khu vực biên giới giữa Brazil và Venezuela. 

Loạt ảnh mới nhất về "Vệ thần rừng Amazon" góp mặt trong "Dự án thổ dân Brazil" của Ricardo, vốn được lập ra để làm nổi bật tầm quan trọng của việc bảo vệ các bộ lạc bản địa của Brazil cũng như cho thấy sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người. 

Một bức ảnh chụp tộc trưởng 89 tuổi đang đi săn cá với cung tên trong một bãi cạn. Một bức khác chụp người phụ nữ bản địa xinh đẹp đang lặn dưới con sông trong vắt ở khu bảo tồn sinh thái Chapada. 

img

img

img

"Tôi luôn bị cuốn hút bởi văn hóa của các thổ dân bản địa. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải phổ biến văn hóa Brazil và thể hiện cách sống của các bộ lạc bản địa ngày nay. 

Năm 1997, tôi bắt đầu chụp ảnh rừng Amazon và có tiếp xúc đầu tiên với bộ lạc bản địa. Kể từ đó, tôi cố gắng tìm cách làm nổi bật sự đa dạng và phong phú của văn hóa bản địa, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của các thổ dân trong việc bảo vệ rừng", Ricardo chia sẻ. 

img

img

img

img

Nhiếp ảnh gia Brazil nói thêm: "Có những thế hệ sinh ra và chưa từng được thấy một thổ dân bản địa. Tôi nghĩ, nhiếp ảnh có khả năng truyền tải một nền văn hóa tới hàng nghìn người. Tầm quan trọng của những phóng viên ảnh tài liệu là xóa bỏ sự kỳ thị và tuyên truyền một nền văn hóa đang bị mai một. Tôi luôn cố gắng để những người bản địa được thoải mái nhất khi chụp ảnh".

Qua "Dự án thổ dân Brazil", nhiếp ảnh gia Ricardo hy vọng sẽ chứng minh được sự đa dạng văn hóa tồn tại ở quốc gia Nam Mỹ này - đất nước có hơn 210 triệu dân và gần 1 triệu người thuộc các tộc người bản địa.