Dân Việt

Thiên tai năm 2022 sẽ dồn dập, khó lường bởi hiện tượng thời tiết hiếm gặp

Triệu Quang 16/06/2022 17:33 GMT+7
Thiên tai nguy cơ cao xảy ra dồn dập vào cuối năm 2022 khi mưa bão kết hợp với không khí lạnh.

Ngày 16/6, tại Hà Nội đã diễn ra “Hội thảo phối hợp hướng dẫn khai thác thông tin khí tượng thủy văn và cập nhật nhận định diễn biến thiên tai 2022” do Tổng cục Khí tượng thuỷ văn tổ chức.

Tại hội thảo, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, thời tiết có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina (pha lạnh) từ nay đến hết năm 2022 với xác suất khoảng 55-65%.

“Đây là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam chịu ảnh hưởng La Nina, hiện tượng này ít gặp bởi thường chu kỳ là 2 năm. Dự báo, số lượng bão sẽ được điều chỉnh tăng hơn so với dự báo trước đây”, ông Lâm thông tin.

img

Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia chia sẻ tại hội thảo

Theo dự báo, từ nay đến hết năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng từ 4 - 6 cơn, ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (trung bình nhiều năm khoảng từ 12-14 cơn/một năm, ảnh hưởng trực tiếp khoảng từ 5 - 7 cơn). Đề phòng xảy ra bão có hướng di chuyển phức tạp, khó lường, dồn dập trong các tháng cuối năm 2022.

Trong các tháng mùa mưa (từ tháng 7 - 9), lượng mưa tại Bắc Bộ có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Trái lại, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng 7 - 9, lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Từ khoảng tháng 10 - 11, khu vực ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên dự báo lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập.

“Khả năng cao thiên tai vào cuối năm là dồn dập khi mưa nhiều, bão kết hợp với không khí lạnh có khả năng gây mưa to đến rất to cho khu vực Trung Bộ. Ngoài ra, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc”, ông Lâm đưa ra cảnh báo.

Về nhiệt độ, khu vực Bắc Bộ có nhiệt độ trung bình tháng 7 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm; tháng 8-9 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C; từ tháng 10 - 12 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C.

Khu vực Trung Bộ nhiệt độ trung bình tháng 7 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, tháng 8-9 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C; từ tháng 10 - 11 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng 7 - 9 nhiệt độ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C, tháng 10 - 12 nhiệt độ phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm.

“Nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021. Không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm và nền nhiệt các tháng đầu mùa Đông ở các tỉnh miền Bắc có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nhiệt độ mùa đông năm nay có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm”, ông Hoàng Phúc Lâm dự báo.