Dân Việt

Trục lợi trong mùa dịch từ chiếc khẩu trang tới "liên minh" nâng khống bộ kit test COVID-19​​​​​​​

Trí Quân 03/01/2022 18:55 GMT+7
Trong thời gian vừa qua, nhiều cán bộ, lãnh đạo thuộc các đơn vị y tế đã bị kỷ luật, bị bắt nhưng các vụ trục lợi trong đại dịch vẫn xảy ra gây bức xúc dư luận.

'Thổi giá' máy xét nghiệm và kit test COVID-19

Năm 2020, bê bối liên quan tới Y tế Hà Nội là vụ GS.TS Nguyễn Nhật Cảm - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cùng 6 thuộc cấp và đồng phạm nâng khống giá trị gói thầu mua sắm thiết bị phòng chống dịch COVID-19 lên gấp 3 lần, từ 2,3 tỉ lên 7 tỉ đồng. 

Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm chịu trách nhiệm là người đứng đầu, có vai trò cao nhất nhận bản án 10 năm tù. Tưởng chừng bản án đó là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người lợi dụng mùa dịch "trục lợi" sẽ không mờ mắt vì đồng tiền. Nhưng đến những ngày cuối năm của năm 2021, người dân cả nước bức xúc trước thông tin Tổng giám đốc Công ty Việt Á, giám đốc CDC Hải Dương bị bắt vì 'thổi giá' kit test COVID-19. 

Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt,Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Cụ thể, kết quả điều tra tại CDC Hải Dương cho thấy hai ông Việt và ông Phạm Duy Tuyến, giám đốc CDC Hải Dương thỏa thuận, thống nhất Công ty Việt Á sẽ cung cấp bộ xét nghiệm COVID-19 cho đơn vị này trước, sau đó mới hợp thức thủ tục đấu thầu. Sau khi đã cung cấp bộ xét nghiệm thì các bị can mới ký hợp đồng và thanh quyết toán theo phân bổ ngân sách của tỉnh cho CDC Hải Dương chống dịch.

Từ tháng 2 đến tháng 11/2021, CDC Hải Dương đã hợp thức ký kết và thanh quyết toán cho Công ty Việt Á 5 hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị y tế tổng số tiền gần 152 tỉ. Phan Quốc Việt chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, giám đốc CDC Hải Dương, gần 30 tỉ đồng.

img

Phan Quốc Việt (SN 1980, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á)

Mở rộng điều tra vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm tại Công ty Việt Á, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) khởi tố thêm 12 bị can.

Trong số này, ông Nguyễn Minh Tuấn (cựu vụ trưởng Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế, Bộ Y tế), ông Nguyễn Nam Liên (vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế) và ông Trịnh Thanh Hùng (phó vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN) cùng bị khởi tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

C03 xác định có dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, nghiên cứu, chuyển giao đề tài khoa học về sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 tại Bộ KH&CN; trong việc cấp phép đăng ký lưu hành tạm thời, cấp phép đăng ký lưu hành chính thức của Bộ Y tế đối với sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19; cũng như việc hiệp thương giá sản phẩm với Công ty Việt Á.

Mua bán khẩu trang giữa mùa dịch, giám đốc bệnh viện đa khoa Gò Vấp bị kỷ luật

Ngày 2/6/2021, UBND quận Gò Vấp, TP.HCM đã công bố quyết định cách chức giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp đối với ông Phạm Hữu Quốc. 

Căn cứ vào kết quả làm việc và báo cáo của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp, Ủy ban Kiểm tra Quận ủy quận Gò Vấp nhận thấy ông Phạm Hữu Quốc đã có hành vi mua, bán số lượng lớn khẩu trang y tế khi xảy ra dịch bệnh COVID-19. 

img

Bệnh viện Quận Gò Vấp, nơi diễn ra thương vụ thu gom khẩu trang y tế trong thời gian diễn ra dịch COVID-19

Ông Quốc còn có hành vi giao dịch tại trụ sở làm việc và sử dụng phương tiện thực thi công vụ vào việc riêng, vi phạm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hành vi vi phạm của ông Quốc được đánh giá là đã tạo dư luận xấu, bức xúc trong người dân.

Trước đó, 26/2/2021, ông Quốc bị tố cáo thu gom khẩu trang y tế để bán giá cao kiếm lời trong khi người dân không thể mua ngoài thị trường.  Ngày 20/4/2021, Ban Thường vụ Quận ủy Gò Vấp đã ban hành quyết định cách chức Chi ủy viên Chi bộ Bệnh viện quận Gò Vấp đối với ông Phạm Hữu Quốc. Quá trình điều tra, Công an quận Gò Vấp kết luận việc ông Phạm Hữu Quốc, Giám đốc Bệnh viện Gò Vấp thu mua khẩu trang không có dấu hiệu của hành vi Đầu cơ nên không khởi tố vụ án.

Tiêm vaccine “ngoài danh sách” để thu tiền

Ưu tiên cho người không có danh sách tiêm vaccine COVID-19 để trục lợi là nhiều vụ việc xảy ra trong đại dịch năm 2021.

Cụ thể là việc ở TP HCM, bị can Trương Mạnh Thảo - cán bộ UBND Phường 2, Quận 6 đã móc nối, làm hồ sơ và tổ chức cho gần 20 trường hợp tiêm vaccine dù không thuộc diện đối tượng. Đến khi bị bắt, Thảo đã thu lợi bất chính 10 triệu đồng cùng nhiều hiện vật có giá trị.

Ở Bình Dương, hai đối tượng Nguyễn Thái Hiệp là bác sĩ Khoa kiểm soát dịch bệnh và Lê Văn Thắng là giữ xe của Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên đã móc nối nhau để tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người không thuộc nhóm đối tượng ưu tiên nhằm thu lợi bất chính.

Ngày 24/8/2021, khi Thắng cho 10 người đi vào cổng sau của Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên để tiêm vaccine và nhận 10 triệu đồng thì bị cơ quan Công an bắt quả tang. Lúc này, bên ngoài vẫn còn 7 người khác đang chờ để được Thắng gọi vào tiêm.

Ăn chặn tiền trợ cấp vì dịch COVID-19 của dân

Tháng 10/2021, công an quận Bình Tân, TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Thanh Minh (SN 1983, ở Bình Tân) về hành vi “tham ô tài sản” do ăn chặn tiền hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Ông Minh được xác định có hành vi ăn chặn tiền từ các gói hỗ trợ COVID-19 của Chính phủ cấp phát cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong khu phố. 

Theo người dân, ông Minh cùng một số thành viên ban điều hành khu phố được UBND phường giao nhiệm vụ cấp phát các khoản hỗ trợ của nhà nước dành cho người dân khó khăn trong đợt dịch. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhiều người dân ở khu phố 2, phường Bình Hưng Hoà B đến trụ sở Ban điều hành khu phố để hỏi về khoản tiền hỗ trợ thì đều nhận được thông báo là chưa có, cứ về chờ…

Người dân bức xúc dẫn tới cự cãi lớn tiếng; thậm chí, giữa người dân và ban điều hành khu phố còn xảy ra việc ẩu đả.