Mới đây, Sở GTVT TP Hà Nội lên kế hoạch thu phí phương tiện ở nhiều quận trung tâm, khoanh vùng khu vực thu phí theo các đường vành đai nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong nội thành. Đây là một điểm nhấn trong đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030”.
Trước đó, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cũng có đề xuất UBND thành phố xin chủ trương xây dựng dự án thu phí ô tô vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông.
Trong những ngày qua, vấn đề về thu phí ô tô đối với các xe đi vào nội thành Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Ảnh minh họa. I.T
Trước thông tin thu phí để giảm ùn tắc, bạn Mai Phương – Hà Nội cho rằng giải pháp tốt nhất là do ý thức người dân và phải có những chế tài mạnh đối với những người có hành vi gây ùn tắc. Trên diễn đàn Phương viết: “Chả có cách nào giảm ùn tắc ngoài cách điều chỉnh lại ý thức hành vi của người tham gia giao thông, dùng biện pháp xử phạt với các xe ô tô đi không đúng làn, đậu đỗ sai quy định, len lỏi mỗi khi tắc đường, phải ép các xe ô tô đi thẳng hàng như ở nước ngoài, ở ta ô tô cũng chen như đi xe máy.
Với xe máy phải xử phạt thật nặng tội chạy ngược chiều, sai làn, vượt đèn đỏ, leo vỉa hè. Với người đi bộ, cũng nên có chế tài răn đe với những người băng qua đường sai quy định, liều lĩnh ở cả những nơi có đèn đỏ.
Tôi nghĩ là nên có một cuộc ra quân, tất cả các ban ngành đều có quyền xử phạt, để đưa tất cả vào đúng trật tự, chứ đường phố hiện giờ ai cũng chạy loạn xạ, chen lấn...”
Ở một khía cạnh khác bạn đọc Lê Đại Đồng (Cầu Giấy, Hà Nội) nhìn nhận, việc thu phí ô tô sẽ đẩy phí dịch vụ, kinh doanh lên cao. Trao đổi với Dân Việt, ông Đồng nói:"Việc áp dụng thu phí ô tô khi vào nội thành Hà Nội, TP Hồ Chí Minh không phải giải pháp căn cơ. Xe vào trung tâm không phải tất cả để đi chơi mà còn là chuyên chở hàng hóa và dịch vụ du lịch. Việc thu phí ô tô vào nội thành sẽ đẩy mức giá vận chuyển lên, cuối cùng đẩy vào chi phí, giá thành mà doanh nghiệp, người dân phải chịu.
Như vậy, việc áp dụng thu phí sẽ âm thầm đẩy các phí dịch vụ, kinh doanh lên cao, các mặt hàng cũng vì đó mà tăng giá. Thu phí ô tô vào nội thành không phải chỉ đánh vào người có phương tiện đi lại là ô tô mà còn đánh vào cả những người có thu nhập thấp”.
Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng: Về chủ trương, việc thu phí để giảm xe vào nội đô không phải chỉ riêng Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới đã triển khai.
"Về mặt pháp lý sẽ không có vấn đề gì cả, nếu như chính quyền xây dựng được phương án tổ chức giao thông thống nhất và được HĐND tỉnh, TP thông qua. Điều này không trái với Hiến pháp và quy định pháp luật.
Dưới góc độ là một luật sư, tôi muốn biết việc nghiên cứu phương án này đến đâu, đánh giá đề án thu bao nhiêu tiền là đủ, thu trên những tuyến đường nào, thu theo vé lượt hay vé tháng... các nhà nghiên cứu cần phải có phương án cụ thể.
Điều tôi muốn nhấn mạnh là có giải pháp nào để cho những người dân không đóng phí có chỗ gửi xe và có 1 phương tiện giao thông khác để giúp họ đi vào nội thành? Tôi muốn nói rằng phương án tổ chức giao thông của nội đô Hà Nội. Tp HCM phải đủ đảm bảo cung cấp được cho những người ngoại tỉnh 1 phương án đi lại thuận tiện nhất. Vậy 2 thành phố lớn này đã đáp ứng được chưa?" - luật sư Tuấn Anh nêu vấn đề.
Một vấn đề rất quan trọng khiến cho người dân vô cùng băn khoăn đối với các phương án thu phí của Nhà nước đó là sử dụng phí đó như thế nào. Trước đây có những việc thu phí bảo trì đường bộ, việc này cũng nhằm hạn chế các phương tiện cá nhân và bảo trì, bảo dưỡng những tuyến đường.
Thế nhưng nguồn phí đó đi đâu, được sử dụng như thế nào… không hề được công bố cho người dân được biết. Trong khi BOT ngày càng nhiều và các tuyến đường nhà nước đầu tư ngày càng xuống cấp. Trong khi đó, người dân quan tâm là họ đóng tiền để được hưởng những lợi ích gì.
Theo đề xuất của Sở GTVT TP.HCM, sẽ có 34 cổng thu phí ô tô vào khu vực trung tâm được xây dựng để hạn chế ùn tắc với nguồn vốn 250 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Các cổng thu phí được xây bao quanh khu vực quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10 (bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng). Cách thức này được cho là sẽ tạo thành vành đai khép kín khu vực trung tâm thành phố và một số trục giao thông chính bên ngoài đang thường xuyên kẹt xe. Sở GTVT Hà Nội lên kế hoạch thu phí phương tiện ở nhiều quận trung tâm, khoanh vùng khu vực thu phí theo khu vực các đường vành đai, song mở rộng thu phí đến đường vành đai nào sẽ phải tính toán. Hà Nội hiện có đường vành đai 1, 2, vành đai 2,5, vành đai 3 đã triển khai và có nhiều tuyến đường kết nối. Đến nay, Sở GTVT và đơn vị tư vấn nghiên cứu vẫn chưa chốt phương án chính thức khu vực thu phí, phân vùng thu phí như thế nào cũng như hình thức thu ra sao. Dự kiến, cuối năm 2019, Sở GTVT sẽ chốt phương án để trình HĐND TP.Hà Nội vào kỳ hợp HĐND cuối năm nay. |