Dân Việt

Thực thi Luật Tài nguyên nước: Bắt đầu từ thực địa, không phải trên giấy tờ

  Danh Hùng 28/07/2019 08:42 GMT+7
Báo cáo tại cuộc họp về nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 và những năm tiếp theo, ông Hoàng Văn Bảy - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - đề xuất các nội dung sau: Hoàn thành việc đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung luật, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Nhiệm vụ nặng nề

Theo đó, trên cơ sở đánh giá, tổng kết việc thi hành luật, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) xem xét chủ trương sửa đổi luật và đề nghị đưa Luật Tài nguyên nước sửa đổi, bổ sung vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XV, từ năm 2021 đến năm 2025; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác quy hoạch tài nguyên nước, lập quy hoạch tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy mạnh hoạt động lập quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh. Sớm hoàn thiện và đưa vào hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước bằng công nghệ tự động, trực tuyến phục vụ giám sát việc tuân thủ giấy phép tài nguyên nước và công tác chỉ đạo điều hành...

img

Để bảo vệ tốt tài nguyên nước cần đi từ tình hình thực tế, thực địa chứ không thể chỉ bàn trên giấy.  Ảnh:  I.T

Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để triển khai những nhiệm vụ này, Cục Quản lý tài nguyên nước đề xuất Bộ TNMT cho phép xây dựng đề án “Tăng cường quản trị tài nguyên nước”; cân đối, bổ sung kinh phí cho một số dự án ưu tiên thực hiện để đảm bảo tiến độ như Dự án "Xây dựng hệ thống theo dõi và quản lý diễn biến nguồn nước mặt, nước dưới đất và hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả thải vào nguồn nước phục vụ giám sát việc tuân thủ giấy phép tài nguyên nước và công tác chỉ đạo điều hành"; Dự án "Điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt lún bề mặt đất khu vực TP.Hà Nội, TP.HCM, Đồng bằng sông Cửu Long, định hướng quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất".

Phải bắt đầu từ thực tiễn

Cơ bản đồng ý với đề xuất của Cục Quản lý tài nguyên nước, Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Công Thành chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước tập trung vào đánh giá, tổng kết thực hiện Luật Tài nguyên nước. “Nội dung này phải bắt đầu từ thực tiễn. Phải bao trùm trên hiện trường, thực địa chứ không chỉ trên giấy” - Thứ trưởng Thành nói.

Thứ trưởng Thành cũng lưu ý những khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB), đó là Việt Nam cần cải cách thể chế trong quản lý tài nguyên nước, tổ chức bộ máy xây dựng đề án về thành lập tổ chức lưu vực sông. Theo đó, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, cần hướng tới thành lập Trung tâm tích hợp dữ liệu vùng, trước mắt là Trung tâm tích hợp dữ liệu Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp theo là các lưu vực khác.

“Đây là việc rất quan trọng. Đồng thời có thể khuyến khích xã hội hóa trong quản lý tài nguyên nước; đưa ra những kế hoạch phù hợp nhất, tập trung nguồn lực của các đơn vị tài nguyên nước để giải quyết hệ thống thông tin chung về quản lý tài nguyên nước” - Thứ trưởng Thành nhấn mạnh.

Về vấn đề sụt lún đất, Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Công Thành chỉ đạo trước mắt tập trung vào nghiên cứu sụt lún đất ở Đồng bằng sông Cửu Long, bằng những nội dung đưa ra hình ảnh đầy đủ hơn theo diện rộng, trong đó sử dụng công nghệ viễn thám, ảnh vệ tinh. Đặt câu hỏi hiện nay chúng ta quản lý tài nguyên nước theo mô hình như thế nào? Nước ngầm, nước mặt, lưu vực sông? Thứ trưởng Thành cho rằng, việc quan trọng trong năm 2020 và các năm tiếp theo là phải xây dựng được mô hình quản lý lưu vực sông.