Hà Nội đang lên kế hoạch thực hiện nghị quyết về đề án "tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030", trong đó có nội dung thu phí phương tiện vào nội đô đang được dư luận quan tâm.
Hà Nội xây dựng kế hoạch thu phí phương tiện vào nội đô
Phải làm rõ đối tượng chịu phí khi vào nội đô
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị Hà Nội cho hay, hiện nay Hà Nội có khoảng hơn 5 triệu xe ô tô. Với số lượng xe nhiều như vậy thì không có một đô thị nào, kể cả đô thị của các nước có nền kinh tế phát triển mạnh mà hạ tầng giao thông có thể đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của các phương tiện giao thông cá nhân như ở Hà Nội.
“Chính vì vậy, tôi cho rằng việc xây dựng đề án thu phí phương tiện ô tô vào nội đô là chủ trương đúng đắn, cần thiết, nó sẽ góp phần giảm bớt ùn tắc giao thông vào nội đô, nhất là vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, việc thực hiện đề án này cần phải có lộ trình rõ ràng cho từng giai đoạn. Hà Nội cần phải làm rõ, thông tin cho người dân về việc thu phí ra sao, mức thu phí như thế nào, đối tượng phải chịu phí, khu vực nào thu phí, điểm ùn tắc nào phải chịu phí…”, ông Thuỷ nói.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội cho rằng, đây là cách làm được nhiều nước áp dụng và thành công, song để thành công thì Hà Nội cần phải quyết tâm giải quyết vấn đề về công nghệ thông tin làm sao để các xe ô tô không phải dừng lại khi thu thu phí; vấn đề đồng bộ giữa hệ thống ngành giao thông với ngành ngân hàng khi các lái xe mở tài khoản ngân hàng; vấn đề bảo mật thông tin của lái xe…
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội
“Thêm nữa, tiền thu từ phí chống ùn tắc phải công khai, minh bạc, số tiền đó sẽ được đầu vào hạ tầng, điều tiết giao thông hay vào đâu, người dân kiểm soát thế nào, cái này Hà Nội cũng phải thông rõ cho người dân biết. Khi triển khai việc thu phí, các ngành chức năng cần tính toán cách thức tổ chức thu phí hợp lý, khoa học để không làm ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân. Tuỳ từng thời điểm, khung giờ sẽ có mức thu phí khác nhau để người dân chấp thuận, thực hiện”, ông Liên nói.
Giao thông công cộng đáp ứng 40% nhu cầu mới có thể thực hiện thu phí ô tô
Tiến sĩ Thuỷ cho hay, ông đã sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có Pháp, Nga, Philipines và thấy rằng họ đã thực hiện việc thu phí phương tiện cá nhân (ô tô) vào nội đô đã từ lâu và khá thành công. Ngay ở Thủ đô Paris (Pháp), việc thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô cũng giúp họ giảm từ 10-15% ùn tắc giao thông.
“Còn tại Việt Nam, hiện nay với đang xây dựng đề án và với hạ tầng, giao thông công cộng như hiện nay thì theo tôi phải đến năm 2026 Hà Nội mới có thể thực hiện việc thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô được. Lúc đó, giao thông công cộng phải đáp ứng được ít nhất 40% nhu cầu đi lại của người dân”, ông Thuỷ nói.
Vị chuyên gia có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị Hà Nội cho biết thêm, để thực hiện được đề án này, Hà Nội cần phải xây dựng, hoàn thiện ngay hạ tầng giao thông, để làm sao đường thông, hè thoáng, các cửa ngõ vào Thủ đô Hà Nội như khu vực đường Phạm Văn Đồng, Giải Phóng, đường vành đai….phải mở rộng ra.
Đồng thời, xây thêm các cầu vượt tại các ngã tư, nút giao thường xuyên xảy ra ùn tắc. Áp dụng giao thông thông minh, thành lập các trung tâm điều độ giao thông, ở khu vực nào ùn tắc lực lượng chức năng sẽ phân luồng phương tiện đi sang khu vực khác. Giảm bớt xây nhà cao tầng trong nội đô, nhất là ở các trục đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Giải Phóng….
Song song với đó, Hà Nội sẽ xây dựng các bãi đỗ xe ở khu vực cửa ngõ thành phố, gần các siêu thị, trung tâm văn hoá, gần các điểm thu phí vào nội đô. Tại khu vực bãi đỗ xe, có các tuyến xe buýt vận chuyển hành khách để tạo thuận lợi cho người dân di chuyển, đi lại.
Theo thống kê của phòng CSGT Hà Nội, 8 tháng đầu năm 2018, đơn vị đã làm đăng ký, cấp biển số mới cho hơn 218.000 phương tiện, trong số này có hơn 38.000 ô tô, 170 nghìn xe máy. Từ lượng phương tiện gia tăng từ đầu năm 2018 đến nay, tính trung bình mỗi tháng, Hà Nội đang có thêm hơn 27 nghìn ô tô, xe máy, xe đạp điện được cấp biển số để đổ ra đường. Đó là chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh vào Hà Nội tham gia giao thông. Dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ôtô và xe máy, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có hơn 843.000 ôtô, hơn 6 triệu môtô, xe gắn máy; đến năm 2030 số ôtô là hơn 1,9 triệu, xe máy là hơn 7,5 triệu. |
Hà Nội có đến trên 80% số điểm ùn tắc tập trung ở khu vực vành đai 3.