Dân Việt

Vì sao Hà Nội đề xuất thu phí phương tiện vào nội đô thời điểm này?

Thế Anh 26/07/2019 16:22 GMT+7
Việc Hà Nội lên phương án thu phí phương tiện vào nội đô thực hiện theo nghị quyết về đề án "tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030" đang gây ra nhiều tranh cãi từ các chuyên gia và người dân Thủ đô.

Đây không phải là vấn đề mới được đề xuất, đề án này đã được Hà Nội nghiên cứu từ nhiều năm nay và cũng từ phương án thu phí của Hà Nội đã gây ra nhiều tranh cãi trái chiều, phản ứng mạnh mẽ từ người dân.

Trước những thông tin Hà Nội sẽ thu phí phương tiện, TS Nguyễn Xuân Thuỷ, chuyên gia lâu năm nghiên cứu về giao thông đô thị cho rằng: “Đề án thu phí phương tiện vào nội đô của TP.Hà Nội vào thời điểm này là chưa hợp lý và sẽ gây ra nhiều khó khăn cho người dân”.

“Để thực hiện đề án này, Hà Nội cần phải giải quyết nhiều vấn đề. Trong đó, phải chú trọng vào việc phát triển giao thông đô thị và hạ tầng giao thông. Hiện nay, hạ tầng giao thông Hà Nội rất yếu kém nên mới dẫn tới ùn tắc, nguyên nhân từ việc đô thị hoá, các nhà cao tầng mọc lên nhưng hạ tầng lại không có mới dẫn tới hệ luỵ trên”, TS Thuỷ nhận định.

img

Hà Nội lên đề án thu phí phương tiện vào nội đô. (Ảnh: I.T)

Theo quan điểm của TS Nguyễn Xuân Thuỷ, để giải quyết tình trạng này phải xét trên cả điều kiện cần và đủ. Điều kiện cần ở đây là ùn tắc giao thông, song điều kiện đủ thì chưa có. Điều kiện đủ là các phương tiện giao thông công cộng phải đáp ứng được 50% nhu cầu đi lại của người dân.

Xe buýt BRT hiện đại nhưng chưa thu hút được người dân vì còn nhiều hạn chế. Các tuyến metro làm chậm, tàu điện trên cao đội vốn, làm cả chục năm vẫn chưa xong. Trong khi đó, các tuyến xe buýt thiết kế phản khoa học, thời gian chờ đợi quá lâu.

"Giao thông công cộng chưa thuận lợi thì không nên áp đặt người dân, không nên đánh vào túi tiền của họ vì đời sống nhân dân còn khó khăn. Thu phí phương tiện của người dân là không hợp lý vì áp lực nên họ rất lớn, thậm chí, không có phương tiện để đi còn gây thêm ùn tắc triền miên, lớn hơn cả ùn tắc hiện nay”, TS. Thuỷ chia sẻ.

Để giải quyết ùn tắc giao thông, TS Thuỷ cho rằng, giải pháp căn cơ nhất là mở rộng các tuyến giao thông công cộng, chủ chốt là đường sắt đô thị, xe buýt phải được thiết kế mạng lưới hợp lý. Khi thu hút được người dân tham gia, họ sẽ tự bỏ loại phương tiện cá nhân để di chuyển bằng xe công cộng.

Năm 2018, UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật, trong đó có nội dung thu phí phương tiện vào khu vực nội đô.

Với giải pháp kinh tế, UBND thành phố Hà Nội đề xuất sửa đổi một số quy định để  thu phí phương tiện vào nội đô, trong đó có việc phụ thu phí ô nhiễm môi trường theo niên hạn, khí thải của phương tiện. Để thực hiện được việc thu phí này, Hà Nội sẽ triển khai theo hình thức thu tự động qua tài khoản ô tô với phí vào nội đô và thu phí môi trường qua các lần phương tiện đưa xe đi đăng kiểm.

Theo lộ trình triển khai Đề án Tăng cường quản lý phương tiện nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua năm 2017, trong giai đoạn 2017 đến 2020 UBND thành phố phải triển khai các giải pháp hành chính và giải pháp kinh tế để từng bước hạn chế phương tiện trong khu vực nội đô (từ đường Vành đai 3 trở vào).