Dân Việt

Lạ mà hay: Để cỏ dại đầy vườn, có hoa quả sạch, khách tới ầm ầm

Bích Hội 27/07/2019 06:15 GMT+7
Phát triển vườn cây ăn quả theo hướng tự nhiên, hạn chế tác động từ con người và các loại thuốc hóa học là cách mà anh Đặng Đình Thùy, sinh năm 1981, ở bản Hoa Mai (xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) áp dụng. Cách làm lạ mà hay này đã giúp gia đình anh giảm thiểu chi phí, đem lại thu nhập cao và tiếp đón nhiều đoàn khách thăm quan...

Thầy giáo yêu nông nghiệp sạch

Về xã Chiềng Ban, hỏi vườn nhà anh Đặng Đình Thùy thì hầu như ai cũng biết. Bởi đây không chỉ là một khu vườn rộng với đủ loại cây ăn quả xanh tốt mà còn là điểm du lịch kiểu “miệt vườn” đầu tiên ở địa phương này.

img

Mặc dù thời tiết diễn biến thất thường nhưng vườn cam của anh Thùy vẫn đang phát triển rất tốt.

Anh Thùy là giáo viên dạy toán nhưng vì yêu nông nghiệp và cũng muốn tiếp nối công việc của bố, mẹ từng làm nên anh đã tranh thủ những giờ nghỉ để trồng trọt, chăm sóc vườn cây.

“Khu vườn này trước đây nhà tôi trồng cà phê nhưng không hiệu quả. Cây cà phê phát triển tốt nhưng vào mùa đông vùng này nhiều sương muối làm cây chết cháy hết. Sau đó, nhà tôi đã tìm hiểu và chuyển sang trồng các loại cây ăn quả cũng được 5 năm rồi. May mắn là mọi thứ đều rất thuận lợi.”, anh Thùy nói

img

Nhờ để cây phát triển tự nhiên, không tốn nhiều công chăm sóc nên anh Thùy vừa hoàn thành tốt công việc của 1 giáo viên vừa kiếm được thu nhập cao từ vườn cây ăn quả.

Khu vườn nhà anh Thùy rộng 2,5 ha chủ yếu trồng các loại cam và bưởi như: Cam Vinh, cam V2, cam đường Canh, bưởi Diễn, bưởi da xanh. Để có thêm kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả, anh Thùy đã trực tiếp đến thăm các mô hình trồng cây ăn quả ở Nghệ An, Hòa Bình, Bắc Kạn.

Không giống những người khác là tập trung vào chăm sóc cây ăn quả để cho năng suất, anh Thùy đã chọn cách để cây phát triển tự nhiên, càng hạn chế tác động của con người và các chất hóa học càng tốt. Theo anh Thùy, cách làm này sẽ giúp cây khỏe, cho quả “sạch” và tiết kiệm chi phí về nhân công và phân bón.

Anh Thùy trồng từng loại cây vào những khu đất riêng cho dễ theo dõi, chăm sóc. Anh đào hố, trồng cam, bưởi theo đúng kỹ thuật được học. Anh còn đào 1 cái hố rộng để ủ phân chuồng cùng lõi ngô làm phân bón cho cây.

Anh Thùy cũng hạn chế các công việc như tỉa cành hoặc làm cỏ quanh gốc. Cỏ sẽ giúp giữ ẩm cho đất, hạn chế lượng nước tưới và cũng là một nguồn thức ăn cho gần 1.000 con gà mà anh thả rông chạy khắp vườn. Đồng thời, số gà này sẽ tạo ra nguồn phân bón hữu cơ cho cây.

img

Cỏ dại mọc đầy vườn cây ăn quả của fgia đình anh Thùy.

 “Thực ra lúc đầu tôi chọn phát triển vườn cây ăn quả theo cách này phần nhiều là muốn được ăn quả sạch và cũng không có nhiều thời gian. Khi cây cho quả thì được nhiều người đánh giá là quả ngọt, ngon hơn những nơi khác và tôi cũng bán được giá cao hơn...", anh Thùy tiết lộ.

Cách làm nông nghiệp có vẻ "lười" của anh Thùy lại khiến nhiều người khen là lạ mà hay. Sau này, trong các chương trình giảng dạy ở trường có những tiết ngoại khóa, thực hành ngoài giờ, anh Thùy luôn nghĩ đến việc biến vườn nhà thành nơi cho các em học sinh đến tham quan, trải nghiệm thực tế. Mà muốn đạt được điều ấy thì đòi hỏi vườn phải an toàn, phải sạch tuyệt đối..

Hướng tới phát triển du lịch miệt vườn

Anh Thùy đầu tư thêm hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, trồng thêm 1 số cây ăn quả như: Thanh long, ổi, bơ..để tạo sự đa dạng cho vườn. Ngoài ra anh còn thuê người về cắt, tỉa cỏ để tạo nên những bãi cỏ đẹp.

Những gốc cam, bưởi được lớn lên nhờ phân gà, phân chuồng ủ hoai mục và một số thuốc bảo vệ thực vật sinh học nên rất xanh tốt, tạo bóng mát cho cả một vùng. Anh Thùy nói đùa rằng nhìn vườn nhà anh cứ như một khu rừng vậy vì nó đầy cỏ dại và cành lá xum xuê.

img

Rất nhiều đoàn khách vào tham quan và mua hoa quả, đem lại cho anh Thùy thu nhập ổn định.

Năm 2017, khi cây bắt đầu cho quả, học sinh của anh chính là những vị khách đầu tiên đến tham quan vườn. Sau đó, tiếng lành đồn xa, hầu hết các trường học trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận đều tổ chức các tiết học ngoại khóa tại đây.

Khách đến tham quan không những được ăn quả thoải mái, miễn phí tại vườn mà còn được anh Thùy giới thiệu về cách trồng, chăm sóc cây nên ai cũng thích thú.

“Tầm tháng 9 trở đi, vườn cam và bưởi chín rộ, rất nhiều đoàn khách vào vườn thưởng thức quả và mua về nhà. Còn những mùa khác, tôi tập trung bán các loại quả theo mùa", anh Thùy cho biết

img

Anh Thùy phấn khởi với vườn cam trĩu quả

Hiện tại vườn nhà anh đang có khoảng 2.000 gốc cam và bưởi, trong đó mới chỉ có một nửa đang cho thu hoạch. Năm 2018, gia đình anh thu được 40 tấn quả với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg cam, 30.000 đồng/kg bưởi, chủ yếu phục vụ cho khách tham quan và bán cho các siêu thị lớn ở Hà Nội. Sau khi trừ hết chi phí, anh Thùy cũng bỏ túi khoảng 600 triệu đồng, chưa kể nguồn thu nhập rải rác từ 500 gốc ổi, thanh long và đàn gà, vịt.

img

Phát triển vườn nhà gắn với du lịch và thăm quan trãi nghiệm là mục tiêu mà anh Thùy hướng đến trong những năm tới.

Chia sẻ về những dự định của mình anh Thùy cho biết sẽ tập trung vào phát triển vườn theo hướng du lịch miệt vườn, đảm bảo cung cấp quả sạch để khách đến tham quan có thể hái quả ăn trực tiếp mà không phải lo các vấn đề về sức khỏe. Anh cũng cung cấp thêm các dịch vụ ăn uống tại chỗ, phục vụ khách nghỉ qua trưa.

“Chỉ có làm ‘nông nghiệp sạch” thì mới bền vững được thôi. Có thể năng suất kém hơn, quả cũng xấu mã hơn nhưng bù lại không làm hại cây và đất. Cây khỏe sẽ chống chịu được với sự thay đổi của thời tiết để cho quả ngọt, còn người làm vườn như tôi thì tiết kiệm được chi phí và cũng nhàn hơn nhiều", anh Thùy vui vẻ nói.