Dân Việt

Thời của mua hàng không dùng tiền mặt

Phương Thảo 27/07/2019 13:51 GMT+7
Không lo làm rớt tiền, bị giật túi đồ mất tài sản khi cầm quá nhiều tiền, đi mua sắm trong siêu thị, thanh toán hóa đơn điện, nước hàng tháng, đóng học cho con, đi ăn, đăng ký vé máy bay, mua hàng online… hiện đã được các bà nội trợ gói gọn trong thẻ ATM, ví thanh toán điện tử mà không cần dùng tiền mặt…

Chị Nguyễn Mai Ngọc (quận 5, TP.HCM) đi siêu thị Co.opmart nhưng cầm mỗi thẻ tín dụng ngân hàng. Khi thanh toán hóa đơn lên tới vài triệu, chị Ngọc chỉ cần đưa thẻ cho cô thu ngân và bấm mật khẩu, ký vào lệnh chi là xong.

Thủ tục thanh toán tiền hàng chưa đầy một phút, rất thuận tiện, nhanh chóng. Thu ngân cũng không phải kiểm đếm tiền, thối tiền thừa cho khách như khi khách hàng sử dụng tiền mặt thanh toán.

Chị Ngọc cho biết: Nhiều tháng qua, hầu như tất cả các dịch vụ chị đều thanh toán bằng thẻ. Ngoài việc đi mua sắm ở trung tâm thương mại, siêu thị…, chị còn dùng thẻ đẻ thanh toán các dịch vụ khác như tiền điện, nước, internet... hàng tháng.

Chị Ngọc có hai con đang tuổi học phổ thông ở một trường quốc tế trên địa bàn quận 5. Kể cả việc đóng học phí cho con, chị Ngọc cũng chọn dịch vụ thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng di động (Mobile Banking).


img

Các bà nội trợ dễ dàng hơn khi thanh toán bằng thẻ ngân hàng hay ví điện tử.

Thi thoảng chị mới dùng đến tiền mặt khi mua đồ uống, đồ ăn sáng dọc đường, đổ xăng, đi làm tóc… Vì vậy, cả tháng chị không phải rút tiền ở cây ATM như trước kia nữa. Chị cũng không cần để nhiều tiền trong túi, không lo nạn cướp giật túi xách mỗi khi ra đường.

Chị Ngọc nhận xét việc không sử dụng tiền mặt trong giao dịch tạo nhiều thuận lợi cho người dùng. Nhiều dịch vụ trước kia khách hàng phải tới tận nơi thanh toán bằng tiền mặt, nhận biên nhận… thì nay chỉ cần một chiếc điện thoại, khách hàng đã có thể giải quyết được hết, tiết kiệm được nhiều thời gian…

Một nhân viên siêu thị Lotte cho hay: Khách hàng lựa chọn hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng, ví điện tử hiện nay khá phổ biến. Việc này tạo thuận lợi không chỉ cho khách mà còn cho cả nhân viên thu ngân và hệ thống siêu thị. Việc thanh toán nhanh chóng, chính xác tuyệt đối.

Ngoài ra, siêu thị còn có cửa hàng online. Khách hàng ở bất kỳ đâu, chỉ cần vào trang của siêu thị, chọn món đồ mình mua sẽ được nhân viên giao hàng tận nơi.

img

Các siêu thị còn có hệ thống cửa hàng online để khách hàng lựa chọn mua hàng online mà không phải đến tận nơi.

Ông Nguyễn Tấn Thanh, phụ trách truyền thông Saigon Co.op cho biết: Nhằm gia tăng lợi ích cho khách hàng và khuyến khích người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ thay tiền mặt để giảm rủi ro, từ nhiều năm trước, doanh nghiệp đã hợp tác với nhiều ngân hàng phát hành thẻ đồng thương hiệu.

Khi sở hữu thẻ đồng thương hiệu, ngoài việc được sử dụng các dịch vụ thanh toán của ngân hàng như thanh toán hàng hóa, dịch vụ, hóa đơn điện, nước, viễn thông, bảo hiểm, rút tiền mặt tại ATM, chuyển tiền qua thẻ, khách hàng còn được hưởng các quyền lợi từ chương trình khách hàng thân thiết của Co.opmart, CoopXtra như tích điểm, nhận chiết khấu thương mại, mua hàng giá ưu đãi dành riêng, nhận quà sinh nhật, quà tết...

Ngoài ra khách hàng còn được hưởng các ưu đãi cộng hưởng và tham gia chương trình khuyến mãi dành riêng cho thẻ đồng thương hiệu do Saigon Co.op và các ngân hàng phối hợp thực hiện.

Theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán sẽ ở mức thấp hơn 10%; toàn thị trường có ít nhất 300.000 POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt trên 200 triệu giao dịch mỗi năm.

100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cũng có POS; 100% Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Kho bạc Nhà nước quận, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng có POS để phục vụ thu ngân sách nhà nước.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, xu thế không dùng tiền mặt tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Từ đó không chỉ giúp giảm thiểu chi phí cho nền kinh tế mà bản thân doanh nghiệp cũng giảm được chi phí, tăng cường kết nối với người dùng trong và ngoài nước. Còn bản thân người tiêu dùng sẽ có nhiều tiện lợi trong việc thanh toán, mua hàng hóa hàng ngày…

Tại TP.HCM, UBND TP đã ban hành Quyết định về kế hoạch triển khai Nghị quyết số 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Trong đó, yêu cầu đến tháng 12/2019, 100% trường học, bệnh viện, các công ty điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên di động, máy POS.