Trung Quốc bung hàng
Theo hãng tin Reuters, Thái Lan - nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ, đã xuất khẩu 4,2 triệu tấn gạo trong 6 tháng đầu năm 2019, với đơn đặt hàng trong hai tháng 5 và 6 giảm còn 600.000 tấn/tháng. Khối lượng này dưới mức trung bình tháng là 800.000 tấn.
Thái Lan đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu gạo. Ông Chookiat Ophaswongse - Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho hay, đầu năm nay, Hiệp hội đặt mục tiêu xuất khẩu 9,5 triệu tấn gạo, giảm từ mức 11 triệu tấn trong năm 2018. Tuy nhiên, hiện tại để đạt được 9 triệu tấn gạo xuất khẩu cũng là một điều khó khăn do những khoảng cách về giá.
Bốc xếp gạo xuống tàu để xuất khẩu tại Cảng Sài Gòn. Ảnh: T.L
Theo TS Đào Thế Anh, cần thiết phải thay đổi thể chế quản lý ngành lúa gạo và chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng quản lý chất lượng và thúc đẩy hợp tác liên kết trong chuỗi. |
Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng không mấy sáng sủa khi khối lượng gạo xuất khẩu tháng 6 năm 2019 ước đạt 625.000 tấn với giá trị đạt 275 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm ước đạt 3,39 triệu tấn và 1,46 tỷ USD, giảm 2,8% về khối lượng và giảm 19% về giá trị so với cùng kì năm 2018.
Việc Trung Quốc tung ra thị trường lượng gạo tồn kho khổng lồ với ước tính khối lượng lên đến 200 triệu tấn đã khiến xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam gặp khó.
Ông Chookiat thừa nhận, Thái Lan đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đẩy lượng tồn kho khổng lồ ra thị trường. “Thương mại của Trung Quốc với hai đối tác lớn Thái Lan và Việt Nam đã chậm lại trong năm nay vì lượng dự trữ quốc gia lớn, và họ đã bán lượng tồn gạo cũ sang các thị trường châu Phi, vốn bị Thái Lan chi phối” - ông Chookiat chia sẻ.
"Trung Quốc hạn chế mua gạo trong năm nay, Việt Nam có một lượng gạo lớn để cạnh tranh với chúng tôi trên mọi thị trường. Cùng với đó, Trung Quốc đang chiếm lấy thị trường châu Phi của chúng tôi" - ông Chookiat nói thêm.
Trong khi giá trị xuất khẩu gạo của Thái Lan sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái thì Trung Quốc cũng bật khỏi danh sách những thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc nhập từ Việt Nam 289.000 tấn gạo, giảm khoảng 75% so với cùng kỳ năm 2018.
Chú trọng nâng cao chất lượng
Sự khó khăn ở thị trường Trung Quốc đã buộc các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chuyển hướng sang những thị trường khác. Theo Bộ Công Thương, trong tháng 6, nhiều doanh nghiệp đã nhanh nhạy nắm bắt sự thay đổi về chính sách nhập khẩu gạo của Chính phủ Philippines. Nhờ mở rộng được thị trường này, nên dù lượng gạo xuất khẩu giảm nhưng không giảm mạnh như một số nước khác.
Bộ Công Thương cũng cho biết, từ khi Nghị định 107 được ban hành (ngày 15/8/2018) đến nay đã có thêm 41 thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng đội ngũ thương nhân xuất khẩu gạo lên 177. Nhiều thương nhân được cấp mới tuy có quy mô không lớn nhưng chú trọng khai thác các thị trường mới, thị trường ngách.
Dù vậy, những khó khăn của ngành chế biến, xuất khẩu gạo vẫn còn ở phía trước. Theo ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, khó khăn hiện nay trong xuất khẩu gạo và tiêu thụ lúa trong nước là cung nhiều hơn cầu.
Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ NNPTNT và các địa phương phải ngồi lại tính toán để xem sản xuất lúa bao nhiêu là phù hợp. Diện tích đất lúa cần 3,8 triệu ha hay 2,5 triệu ha? Đồng thời cũng phải xem xét lại lịch thời vụ. Trước đây gieo sạ đồng loạt để hạn chế dịch bệnh, nay nên sắp xếp lịch thời vụ sao cho hợp lý, phù hợp thị trường.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đặt vấn đề cần xem lại mặt hàng lúa gạo có còn là chiến lược xuất khẩu của quốc gia, khi mà kim ngạch xuất khẩu thua thủy sản và rau quả.
TS Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm (Bộ NNPTNT) cho rằng, chúng ta không nên vui mừng khi lọt thống kê top 10 quốc gia có sản lượng lúa gạo lớn nhất thế giới năm 2016 của tờ World Map, bởi mục tiêu lớn nhất của Việt Nam phải là làm thế nào để tăng được giá trị từ sản phẩm gạo.
Theo TS Đào Thế Anh, cách thức sản xuất và xuất khẩu gạo của chúng ta có thể nói đã quá “cổ lỗ sĩ”, mô hình này đã được vận hành từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, đến nay không còn phù hợp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn còn tư duy sống dựa vào các thỏa thuận của Chính phủ để cứu đói, bảo vệ an ninh lương thực cho một số nước thiếu gạo.
"Nếu cứ trông chờ các hợp đồng của Chính phủ thì sẽ không thể làm được gạo chất lượng. Gạo Việt Nam xuất khẩu sang những thị trường yêu cầu chất lượng cao thường bị “chê” chất lượng thấp. Một thời gian dài chúng ta đã cố làm ra thật nhiều gạo, rồi không tiêu thụ hết đành “bán đổ, bán tháo”, dẫn đến giá thấp là điều đương nhiên" - TS Anh thẳng thắn.